Ca khúc dành cho giới trẻ đơn giản nhưng không dễ viết

06/06/2017 06:46 GMT+7

Để một bài hát chạm được trái tim người nghe, điều đầu tiên hẳn phải là cảm xúc. Và với người trẻ, cảm xúc ấy có thể đến từ những điều thật nhỏ bé, những hình ảnh hay câu nói xuất phát từ chính cảm nhận của mnh.

“Tuổi trẻ rồi cũng sẽ là ngày hôm qua, nên ta cứ sống vui vì hôm nay là món quà” là một đoạn trong ca khúc Bài ca tuổi trẻ của nhóm nhạc underground PKL. Sau khi ra mắt trên YouTube, Bài ca tuổi trẻ (còn được viết Bài ka tuổi trẻ) nhanh chóng được cộng đồng mạng truyền nhau nghe. Lời bài hát lẫn những câu rap trong bài cũng trở thành những dòng trạng thái được không ít bạn trẻ chia sẻ trên trang cá nhân Facebook của mình, ví như: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, khi ta còn yêu đời”, “Em ơi cứ sống sao cho mình thấy vui, sống như ta chưa từng được sống”, “Rất nhiều lần vấp ngã nhưng vẫn bất chấp tất cả không chịu buông xuôi, sống cho tuổi thanh xuân không tiếc nuối”…Cùng với đó là nhiều nhận xét về sự thú vị, cảm giác được truyền năng lượng tích cực, tràn đầy sức sống từ hàng ngàn bình luận phía dưới ca khúc này.
Điều này cho thấy sự đón nhận của người nghe, nhất là giới trẻ, đối với ca khúc mới hiện nay đã được thuận tiện hơn nhiều so với thế hệ trước, nhất là về việc tự giới thiệu trên các kênh âm nhạc, trang cá nhân của mình. Thế nên, nếu bài hát khiến người nghe cảm thấy “có mình trong đó”, thì sẽ dễ dàng trở thành một phần của đời sống tinh thần. Âm nhạc của PKL trở thành nhu cầu thưởng thức không thể thiếu của một bộ phận giới trẻ hiện đại.
Càng đơn giản càng hay
Theo nhạc sĩ Thanh Tâm, tác giả được biết đến và yêu thích từ sân chơi ca khúc - Bài hát Việt, “90% ca khúc nổi tiếng là nhạc viết về tình yêu. VN hay thế giới cũng vậy. Khi các chủ đề khác ra đời, ở đây là dạng ca khúc truyền cảm hứng cho giới trẻ, thường sẽ gắn với một sự việc nào đó xảy ra trong thực tế, có thể là vấn đề của xã hội, hoặc chỉ đơn giản là câu chuyện cá nhân của tác giả. Tôi nghĩ một ca khúc mang tính truyền cảm hứng thực sự khó viết hơn các ca khúc tình yêu, nhất là về ca từ”. Theo anh, viết ca khúc thể loại này cho người trẻ thường sẽ là những dòng giai điệu bắt tai, dễ nhớ, với nội dung là những “slogan” kiểu mới, nhưng phải chân thật và gần gũi với người trẻ, nếu không sẽ rất gượng ép. “Điều đó khiến các tác giả, những người dành quá nhiều thời gian làm nghề, lại gặp khó. Kể cả tôi, vì thời gian dành cho cộng đồng trẻ không nhiều, mà khi không có sự tiếp cận, va chạm, không có những trải nghiệm cùng các bạn trẻ thì không dễ để nắm bắt được những khát khao, có khi rất đơn giản và những “style” ngôn ngữ mới, sành điệu của các bạn”, anh nhìn nhận.
Điều này lý giải vì sao những ca khúc sử dụng các câu từ gắn với ngôn ngữ giới trẻ hiện đại được chia sẻ rất nhanh và được yêu thích rất nhiều, chẳng hạn bài Mình thích thì mình yêu thôi (nhạc sĩ Dương Khắc Linh), Sau tất cả (nhạc sĩ Khắc Hưng)... Đồng tình với quan điểm của nhạc sĩ Thanh Tâm, nhạc sĩ Anh Tuấn - thành viên nhóm MTV, còn cho rằng với những sáng tác hướng đến giới trẻ, nhất là bài hát mang tính cộng đồng, thì ca từ phải thật, phải khơi gợi được cảm xúc lẫn trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, nếu viết bằng ngôn ngữ “lớn lao” quá thì sẽ dễ rơi vào hô hào, sáo rỗng. Với anh, viết cho người trẻ càng đơn giản càng hay, nhưng: “Để viết đơn giản mà hay được thì không phải dễ. Điều này phụ thuộc vào chính trải nghiệm lẫn tư duy âm nhạc của mỗi người”. Anh cho biết thêm MTV sắp có ca khúc mới dành cho người trẻ, mà ý tưởng bắt đầu từ câu hát trong lời ru của mẹ.
Viết chân thật như đang nghĩ
Còn nhớ năm 2010, khi ca khúc Lá cờ của ca - nhạc sĩ Tạ Quang Thắng vang lên trên sân khấu Bài hát Việt, người nghe không nghĩ rằng những chuyện của một thời tưởng khó đưa vào bài hát như: tem phiếu, bo bo… lại được chàng ca - nhạc sĩ trẻ lúc bấy giờ hát lên thật tự nhiên và xúc động. Ngay khi câu hát “Để rồi nay bước trên con đường đời, dù bao gian khó, chông gai đời tôi, đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: Đoàn quân Việt Nam đi” được cất lên, tiếng vỗ tay đã vang lên không dứt. Bài hát này đã đoạt 3 giải thưởng: Thể nghiệm sáng tạo, giải do Hội Nhạc sĩ VN bình chọn và giải của Hội LHTN VN dành cho ca khúc mang ý nghĩa giáo dục truyền thống. Chia sẻ về “chiến thắng” này, Tạ Quang Thắng cho biết anh chỉ nghĩ thế nào thì viết thế ấy thôi. “Lá cờ, đó là câu chuyện có thật được kể lại bằng ngôn ngữ và âm nhạc của mình”, anh nói. Với Tạ Quang Thắng, âm nhạc phải xuất phát từ sự chân thật. Chân thật của câu chuyện và của cảm xúc. “Những bài hát của tôi đều được sáng tác theo cách của mình: nghĩ gì viết đấy. Tôi nghĩ, khi viết về nội dung gì, thì điều đầu tiên người viết phải thật sự nghĩ về nó, như vậy bài hát được viết ra sẽ tự nhiên”.
Với nhạc sĩ Xuân Nghĩa, anh cho rằng không phải cứ bài hát truyền thông điệp về lý tưởng sống thì phải là hành khúc hay hô hào khẩu hiệu, vì thực tế cho thấy nhiều ca khúc được viết rất tình cảm, tha thiết nhưng vẫn chạm được trái tim người nghe, như Nơi đảo xa chẳng hạn. “Người trẻ thế hệ nào cũng có những cảm nhận như nhau, vấn đề ở đây là cuộc sống khác nhau, nên người viết cần có sự đồng cảm thật sự để sẻ chia được nỗi niềm, khát khao của người trẻ hôm nay”, nhạc sĩ Xuân Nghĩa bày tỏ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng người viết phải có quan điểm sống đúng đắn, phân biệt phải trái rõ ràng mới truyền đi đúng thông điệp, bởi: “Bản thân tác giả chưa nhận thức đúng thì khó có thông điệp tích cực khi đưa vào bài hát”.
Là ca sĩ tham gia biểu diễn nhiều chương trình cho giới trẻ, Võ Hạ Trâm cho biết với những ca khúc hướng đến khán giả trẻ, ngoài yếu tố âm nhạc hấp dẫn, hợp thời, thì thông điệp đưa đến phải tích cực. “Một số ca khúc của các tác giả trẻ chưa được trau chuốt lắm về ca từ, nghĩ sao nói vậy, thiếu chất văn học lẫn nghệ thuật. Trong khi một bài hát hay không chỉ dễ dàng được công chúng đón nhận mà còn phải tồn tại được lâu trong lòng người nghe. Điều đó có lẽ cần nhiều ở sự sâu sắc, tinh tế của ca từ”.
Sáng tác ca khúc cổ động cho Đại hội Đoàn toàn quốc
Ban tổ chức (T.Ư Đoàn phối hợp với Báo Thanh Niên và Báo Tiền Phong) cuộc thi sáng tác bài hát cổ động, tuyên truyền Đại hội Đoàn toàn quốc lần 11 (nhiệm kỳ 2017 - 2022) tiếp tục nhận tác phẩm dự thi từ mọi công dân VN đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống tại VN. Các tác phẩm dự thi có nội dung thể hiện ý nghĩa của Đại hội Đoàn toàn quốc lần 11 là sự kiện chính trị của tuổi trẻ cả nước, với khẩu hiệu hành động của đại hội trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 là: tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, sáng tạo. Song song đó, tác phẩm có tinh thần cổ vũ thanh thiếu nhi thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, tinh thần tình nguyện, xung kích xây dựng bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ trong thời kỳ mới; khắc họa nổi bật về những giá trị hình mẫu đoàn viên, thanh niên, đội viên thời kỳ mới: tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn.
Bài dự thi là bản ký âm bài hát trên khổ giấy A4 (không nhất thiết kèm CD thu âm tác phẩm), gửi về địa chỉ: Ban Văn hóa - Nghệ thuật Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM; hạn chót nhận bài: hết ngày 15.8. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.