|
Không khí ở đây nhộn nhịp chẳng khác gì một công trường lớn, khi những chiếc máy xúc, máy trộn bê tông đang hoạt động cùng hàng trăm người làm việc trên khắp các cánh đồng.
Thôn 5 là đơn vị đi đầu vì đã đắp lại toàn bộ các bờ ruộng cho rộng thành 3 m vào năm 2012. Bà Đoàn Thị Mai, Bí thư chi bộ thôn, cho biết: “Thôn 5 có sáu bờ ruộng dài nửa cây số nhưng rộng chưa đầy 1 m, bà con phải gánh lúa vất vả lắm. Để giải phóng đôi vai, chúng tôi đã họp thôn và mỗi hộ tự nguyện hiến một phần ruộng để có bờ mẫu rộng cho xe kéo vào tận nơi”.
Tuyến đường trục dẫn ra cánh đồng dài hơn 1 km của thôn 5 cũng đã được mở rộng thành 5 m và đổ bê tông theo mô hình nhà nước và nhân dân cùng làm. Người xúc cát, đá, người bê xi măng, gánh nước đổ vào máy trộn bê tông, mặt đường đất lồi lõm dần được thay bằng bê tông chắc chắn, phẳng lì.
Bà Mai cho biết những hộ có ruộng ven đường đã nhường đất cho đường và được các hộ ở trong nhường tiếp một phần đất cho đỡ thiệt thòi.
“Ngoài tiền hỗ trợ xi măng, cát đá của nhà nước, bà con trong thôn còn tự nguyện đóng góp tiền để thuê xe vận chuyển, máy trộn bê tông, trước mắt chúng tôi thu mỗi sào là 100.000 đồng. Để huy động nhân lực làm đường bê tông, bà con quy định mỗi sào ruộng phải góp một ngày công”, bà Mai nói thêm.
Đường mở rộng, bà con phấn khởi khi việc sản xuất nhanh gọn trong hai vụ vừa qua. Ông Vũ Ngọc Mích, ở thôn 5, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi phải gánh lúa, gánh mạ trầy vai, cuồng chân mới đưa lúa vào được đến bờ. Những đợt gặt chạy bão thì còn khổ nữa, nhất là những nhà có năm, sáu sào ruộng. Mấy vụ vừa rồi, chúng tôi không phải gánh gồng gì nữa, máy gặt, máy tuốt vào được tận nơi nên chúng tôi nhàn hơn”.
Nhận thấy việc mở rộng đường ra ruộng của thôn 5 rất thiết thực, 12 thôn còn lại trong xã đã học hỏi cách làm này tại cánh đồng của mình. Trên cánh đồng các thôn 8, 9 những ngày này, máy xúc đất đang mở rộng bờ ruộng. Đường ra đồng của thôn 11 dài gần 500 m cũng đã được bê tông hóa. Thôn 13 vốn là vùng kinh tế mới của xã Hòa Bình, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đã bê tông hóa tuyến đường ra cánh đồng dài hơn 100 m bằng nguồn vốn xã hội hóa. Người góp của, người góp công, có người góp cả nồi nước chè xanh, nồi bắp ngô luộc như cách góp sức, động viên mọi người.
Trong khi nhiều nơi nông dân không mặn mà với đồng ruộng, thì ở Hòa Bình, việc huy động sức dân trên tinh thần công khai, dân chủ vẫn đạt được hiệu quả và giúp cho chính người dân bớt phần nhọc nhằn và có thể làm giàu trên mảnh ruộng của mình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đương, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình, cho biết việc mở rộng đường ra đồng là chủ trương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. “Từ kế hoạch dồn điền, đổi thửa mấy năm trước cho tới đợt mở rộng bờ ruộng này, đồng ruộng tại địa phương chúng tôi đang dần được quy hoạch bài bản. Đây là nền tảng để sản xuất nông nghiệp tại địa phương theo hướng bền vững”, ông Đương nói.
Vũ Ngọc Khánh
>> Hiến đất mở đường vào phum sóc
>> Nông dân hiến đất làm kênh thoát lũ
>> Dân, doanh nghiệp hiến đất làm đường
>> Hiến “đất vàng”
>> Nông dân hiến đất xây trường
>> Nông dân hiến đất làm đường
>> Tuyên dương 4 anh em C’tu hiến đất xây trường
>> Người dân hiến đất mở đường
>> Người dân hiến đất để mở đường
Bình luận (0)