Cá mập miệng to cực hiếm được 'đông đá' để nghiên cứu

Khánh An
Khánh An
14/08/2020 16:25 GMT+7

Giới khoa học hy vọng làm sáng tỏ bí ẩn về một trong những loài cá mập hiếm nhất ở đại dương là loài cá mập miệng to.

Theo Đài CNN, các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ vừa nhận được xác một con cá mập miệng to cực hiếm bắt được ngoài khơi Đài Loan vào năm 2018, đem lại hy vọng khám phá những bí ẩn về sinh vật sống ở biển sâu này.
Các mẫu vật cá mập cũng như phần lớn mẫu vật cá tại các viện bảo tàng thường được xử lý bằng formaldehyde và bảo quản trong ethanol để có thể tồn tại hàng chục hay hàng trăm năm.
Tuy nhiên, mẫu vật của cá mập miệng to (Megachasma pelagios) đang được giữ đông lạnh trong một khối nước đá, giúp giới nghiên cứu có thể tìm hiểu về gien, giải phẫu học cũng như sự tiến hóa và sinh học của loài này.
Sau khi các ngư dân đánh bắt được con cá mập này, giới khoa học hay tin nên liên hệ với Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ để sắp xếp về việc bảo quản và vận chuyển mẫu vật.
Loài cá mập miệng rộng có đặc trưng là miệng rất rộng cùng chiếc đầu tròn, và toàn thân có thể dài đến 5 m và nặng đến 1.180 kg. Theo Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Florida, đến nay chỉ có khoảng 70 trường hợp con người nhìn thấy chúng trong tự nhiên.

Con cá mập miệng rộng đầu tiên được phát hiện bởi Hải quân Mỹ vào năm 1976

Ảnh: Hải quân Mỹ

Cá mập miệng rộng là loài nhỏ nhất trong 3 loài cá mập ăn lọc với thức ăn là các sinh vật phù du và các loài nhuyễn thể, bên cạnh cá nhám voi (Rhincodon typus) và cá nhám phơi (Cetorhinus maximus).
Con cá mập miệng rộng đầu tiên được phát hiện bởi Hải quân Mỹ vào năm 1976 ở gần Hawaii. Thủy thủ kéo neo lên từ độ sâu 152 m và phát hiện con cá mập 680 kg vướng vào dây. Con cá mập này không sống sót.
Kể từ đó, loài cá mập này còn được phát hiện tại các vùng biển Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Chuyên gia Paul Clerkin tại Viện Khoa học hải dương Virginia, người đã thu thập mẫu vật ở Đài Loan, sẽ cũng các chuyên gia khác nghiên cứu.
“Hiểu về đời sống của cá mập là điều quan trọng, đặc biệt là vì chúng ta không biết về vai trò của chúng trong hệ sinh thái biển, hay sự nhạy cảm của chúng đối với những áp lực do loài người gây ra”, theo ông Clearking.
Sau khi nghiên cứu hoàn tất, con cá mập sẽ được bảo quản bằng formaldehyde và sau đó là methanol để bảo quản lâu dài, bên cạnh hơn 6 triệu mẫu vật khác tại khu vực bảo tồn các loài cá của bảo tàng.

Cảnh hiếm thấy: Cá mập bị nuốt trọn dưới đáy biển sâu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.