Cà Mau: Chuyển hồ sơ vụ đấu thầu lúa giống sang Cơ quan CSĐT

Gia Bách
Gia Bách
07/09/2023 18:30 GMT+7

Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT sau khi phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường ở các gói đấu thầu lúa giống năm 2020 và 2021 ở H.Thới Bình.

Ngày 7.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Thanh tra tỉnh Cà Mau vừa có kết luận thanh tra (KLTT) thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản do UBND H.Thới Bình quyết định đầu tư và nguồn kinh phí T.Ư hỗ trợ. Thanh tra tỉnh Cà Mau đã chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường ở các gói đấu thầu lúa giống năm 2020, 2021 ở Phòng NN-PTNT H.Thới Bình như: thực hiện sai quy định Luật Đấu thầu, mua bán lòng vòng qua nhiều trung gian, gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Cà Mau: Chuyển hồ sơ vụ đấu thầu mua lúa giống sang công an - Ảnh 1.

Lúa ST được người dân H.Thới Bình (Cà Mau) trồng kết hợp nuôi tôm

TRUNG ĐỈNH

Bất đồng trong chia tiền chênh lệch

Cụ thể là ngày 13.7.2020, UBND H.Thới Bình ban hành quyết định về việc phê duyệt dự toán hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống lúa mới vào sản xuất trên địa bàn huyện. Tổng dự toán hơn 4,6 tỉ đồng (chi phí hỗ trợ mua giống 4,3 tỉ đồng, còn lại là chi phí khác). Và UBND H.Thới Bình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là đặt hàng.

Ngày 21.7.2020, ông Nguyễn Văn Phúc (thời điểm này là Phó phòng NN-PTNT nay là Trưởng phòng) ký hợp đồng trị giá hơn 3,4 tỉ với Công ty TNHH thương mại xây dựng Chí Hiếu (Công ty Chí Hiếu) để mua lúa giống (số lượng giống ST24 là 149.839 kg, giống OM2517 là 24.528 kg). Lượng giống lúa nói trên được Công ty Chí Hiếu mua của doanh nghiệp ở Sóc Trăng với giá 17.000 đồng/kg và bán lại cho Phòng NN-PTNT H.Thới Bình giá 20.000 đồng/kg. Dẫn tới tổng số tiền chênh lệch giá là gần 450 triệu đồng.

Qua làm việc với Thanh tra, ông Nguyễn Chí Hiếu (Giám đốc Công ty Chí Hiếu) thông tin, được ông Phúc giới thiệu và cùng đi đến doanh nghiệp ở Sóc Trăng để ký hợp đồng mua lúa giống ST24. Việc đàm phán và các giao dịch đều do ông Phúc trực tiếp thực hiện, ông Hiếu chỉ đứng tên ký hợp đồng mua lúa giống và bán lại cho Phòng NN-PTNT H.Thới Bình.

Riêng với khoản tiền chênh lệch gần 450 triệu đồng (trừ chi phí 75 triệu còn gần 375 triệu), ban đầu ông Phúc hứa cho ông Hiếu hưởng trọn. Nhưng sau đó, ông Phúc yêu cầu ông Hiếu đưa lại cho mình bằng tiền mặt nhiều lần... Ông Hiếu cho rằng ông Phúc không giữ lời hứa nên giữa 2 người xảy ra mâu thuẫn, ngưng hợp tác.

Theo Thanh tra tỉnh Cà Mau, đối với gói thầu mua lúa giống trên, Phòng NN-PTNT áp dụng hình thức đặt hàng là sai quy định Luật Đấu thầu, gây thiệt hại cho nhà nước gần 375 triệu.

Mua lúa giống qua nhiều trung gian với giá cao

Cũng như năm 2020, ngày 10.5.2021, Chủ tịch UBND H.Thới Bình ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh dự toán hỗ trợ trực tiếp người trồng lúa áp dụng giống lúa mới vào sản xuất trên địa bàn huyện với tổng dự toán 8 tỉ đồng. Sau đó, UBND H.Thới Bình phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu lúa giống ST24, ST25 là đặt hàng, gói thầu giá trị hơn 1,4 tỉ đồng. Ngày 21.5.2021, ông Nguyễn Văn Phúc đã ký hợp đồng Công ty TNHH Xây dựng Minh Phát Cà Mau (Công ty Minh Phát) cung cấp lúa giống.

Tuy nhiên, qua xác minh Thanh tra tỉnh Cà Mau phát hiện, lượng lúa giống mà Công ty Minh Phát bán lại cho Phòng NN-PTNT H.Thới Bình được công ty này mua lại từ một đối tác khác là Công ty TNHH thương mại xây dựng Huy Tú (Công ty Huy Tú). Còn Công ty Huy Tú mua từ một doanh nghiệp khác ở Sóc Trăng.

Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận, gói thầu lúa giống ST24, ST25 hơn 1,4 tỉ đồng nói trên được Phòng NN-PTNT H.Thới Bình áp dụng hình thức đặt hàng là sai với quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, dẫn đến mua bán lòng vòng qua nhiều trung gian, làm tăng giá mua 3.500 đồng/kg với tổng số tiền chênh lệch gây thiệt cho nhà nước số tiền 242 triệu đồng.

Thanh tra cũng khẳng định, trước đó năm 2018 Phòng NN-PTNT H.Thới Bình đã trực tiếp đặt hàng tại doanh nghiệp ở Sóc Trăng (nhà sản xuất lúa ST), nhưng sau đó, lại đổi sang hình thức đặt hàng lòng vòng qua nhiều trung gian, với giá cao hơn giá của nhà sản xuất là dấu hiệu bất thường cần được làm rõ.

Chuyển hồ sơ sang công an vì có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu

Thanh tra tỉnh Cà Mau cũng nêu, Chủ tịch UBND H.Thới Bình giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 chịu trách nhiệm chung đối với những thiếu sót, vi phạm theo như kết luận thanh tra. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND H.Thới Bình giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 vì để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên. Chủ tịch UBND H.Thới Bình tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm theo như kết luận thanh tra.

Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau cũng chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau để xử lý theo quy định đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với các gói đấu thầu lúa giống năm 2020, năm 2021 ở Phòng NN-PTNT H.Thới Bình.

Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kinh phí T.Ư hỗ trợ thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn H.Thới Bình là hơn 68 tỉ đồng. Trong đó, thực hiện 1 quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 139 công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; thực hiện 4 dự án hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới vào sản xuất và 27 dự án hỗ trợ liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đối với nguồn vốn đầu tư công, từ năm 2018 đến năm 2021, UBND H.Thới Bình đã quyết định đầu tư 152 công trình xây dựng với tổng số kinh phí thực hiện hơn 205 tỉ đồng


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.