Cà Mau: Đã tìm được nguyên nhân cua nuôi bị chết

Gia Bách
Gia Bách
25/03/2022 13:11 GMT+7

Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã tìm được nguyên nhân làm tôm, cua chết bất thường trong thời gian qua.

Ngày 25.3, tin từ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết đã tìm ra nguyên nhân cua nuôi bị chết trong thời gian qua.

Nguyên nhân cua chết ở Cà Mau thời gian qua là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ

Gia bách

Nguyên nhân khiến cua chết

Thời gian qua, người nuôi cua ở 5 huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước, Ngọc Hiển, Thới Bình bị chết trên diện rộng.

Theo báo cáo của Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, cua bệnh chết nhiều trong giai đoạn hiện nay là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỷ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua. Bên cạnh đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao, là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các loài thủy sản nuôi cùng môi trường. Qua phân tích mô học, không phát hiện tác nhân gây bệnh khác.

Người nuôi bị thiệt hại từ 30 -100%

Để tìm ra nguyên nhân cua chết, ngành chức năng đã khảo sát tình hình nuôi cua, tôm tại 5 huyện với 24 xã và trực tiếp thu mẫu tại 21 hộ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mức độ thiệt hại đến thời điểm này tại H.Đầm Dơi vào khoảng 16.606 ha/9.983 hộ, thiệt hại từ 10 - 70%; H.Năm Căn khoảng 13.128 ha/4.386 hộ, mức độ thiệt hại 30 - 100%; H.Cái Nước có mức độ thiệt hại khoảng 165,6ha/104 hộ, với 2 xã là Đông Thới, tỷ lệ thiệt hại từ 20 - 30%, xã Trần Thới 80 - 100%; H.Ngọc Hiển có khoảng 200 ha, ở 2 xã là Viên An Đông và Tân Ân Tây, mức độ thiệt hại 50 -100%.

Phân tích mẫu tôm, cua nuôi ở H.Thới Bình

Còn tại H.Thới Bình, theo khảo sát điều tra thực tế tại 8 hộ thuộc các xã Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc Bắc, Tân Bằng, Biển Bạch và Biển Bạch Đông cho thấy tình hình cua, tôm nuôi tại H.Thới Bình có dấu hiệu chết rải rác. Tỷ lệ thiệt hại trên cua khoảng 10 - 20%, biểu hiện bệnh chưa rõ ràng. Đối với tôm nuôi, tỷ lệ thiệt hại từ 20 - 50%, nhưng có hộ thiệt hại đến 100%, kích cỡ tôm chết từ 50 - 60 con/kg, tôm mắc bệnh có dấu hiệu phồng nắp mang, đỏ thân, xuất hiện nhiều đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, chậm lớn và chết.

Kết quả phân tích mẫu cua, tôm, bùn, nước có 2/5 mẫu cua có dấu hiệu như vỏ đóng phèn, mang vàng đậm, 1/5 mẫu cua có đen mang, cơ thịt chắc, trong đó 3/5 mẫu cua màu sắc bình thường, cơ, mang bình thường. Trên cua không phát hiện ký sinh trùng giáp xác chân tơ, trên tôm nuôi có 4/5 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và không phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm.

Nguy cơ thiếu nguồn nước cấp cho người nuôi tôm, cua

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, thời gian tới, nắng nóng tiếp tục kéo dài làm nhiệt độ và độ mặn tăng cao, 2 huyện U Minh và Thới Bình sẽ thiếu nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến môi trường nuôi tôm, cua và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Sở NN-PTNT Cà Mau khuyến cáo người dân nuôi tôm, cua cần theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chuyên môn nhằm kịp thời xử lý khắc phục giảm thiệt hại trong thời gian tới vì hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.

Cần cấp kinh phí nghiên cứu giải pháp phòng, trị bệnh do ký sinh trùng

Với kết quả phân tích, xét nghiệm của Viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu, về tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng giáp xác chân tơ trên cua, nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đối với bệnh này.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Sở NN-PTNT Cà Mau hướng dẫn người dân cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi; không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi; sau khi cải tạo ao nuôi, người dân cần chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn trước khi thả nuôi.

Sở NN-PTNT cũng lưu ý, thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều con giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm tôm, cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí sản xuất; nuôi quảng canh kết hợp, tôm từ 1- 3 con/m2, cua từ 0,2 - 0,5 con/m2; khi phát hiện cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan…

Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu cùng phối hợp tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời hướng dẫn khắc phục ổn định sản xuất.

Đồng thời, UBND tỉnh cần xem xét cấp kinh phí nghiên cứu các giải pháp phòng, trị bệnh do ký sinh trùng (giáp xác chân tơ) gây ra trên cua nhằm giúp người dân nuôi cua giảm thiệt hại. UBND tỉnh đề xuất Bộ NN-PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y phối hợp các viện, trường tập trung nghiên cứu để sớm đưa ra giải pháp xử lý dịch bệnh gây chết trên cua hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.