Cà Mau: Dự án điện gió hơn 5.000 tỉ đồng 3 năm chờ mốc thực địa

Gia Bách
Gia Bách
12/08/2021 10:05 GMT+7

Bộ TN-MT cho thuê mặt biển để làm dự án điện gió ở Cà Mau nhưng không kiểm tra thực địa, trong khi khu vực cho thuê mặt biển hằng ngày có hàng trăm hộ dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản.

Ngày 14.6.2016, Bộ TN-MT có quyết định cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) thuê 1.968,8 ha mặt nước biển ở xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) để thực hiện Dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long giai đoạn 1. Giá cho thuê 3 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 30 năm.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được kiểm tra thực địa, cũng như cắm ranh mốc dù địa phương và chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị.

Khó giải quyết chính sách cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng

Một lãnh đạo H.Ngọc Hiển cho biết, từ ngày ra quyết định cho thuê đến nay, Bộ TN-MT chưa tiến hành kiểm tra thực địa, cắm ranh mốc.
Trong khi đó, khu vực mặt biển mà Bộ TN-MT cho thuê có hàng trăm hộ dân sống bằng nghề truyền thống như đáy, lưới rê... để nuôi sống gia đình.

Khu vực Bộ TN-MT cho Công ty Công Lý thuê khu vực biển có nhiều hàng đáy của người dân địa phương

Ảnh: CTV

Theo báo cáo của UBND xã Đất Mũi, ngay khu vực mặt biển Bộ TN-MT cho thuê có 6 hộ dân làm nghề hàng đáy với gần 200 miệng đáy và hàng trăm hộ dân khác đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản.
Tỉnh Cà Mau cũng đã chỉ đạo UBND H.Ngọc Hiển kiểm tra, rà soát các nội dung kiến nghị của Công ty Công Lý về việc di dời các hộ dân lấn chiếm khu vực biển đã giao cho Công ty Công Lý. 
"Bộ TN-MT có quyết định cho thuê nhưng không kiểm tra thực địa, không đo đạc, không cắm ranh, không làm việc với chính quyền địa phương nên giải quyết chính sách đối với người dân bị ảnh hưởng rất khó. Nhiều hộ hơn 20 năm gắn với nghề thủy sản ngay khu vực mà Bộ TN-MT cho thuê”, ông Lý Hoàng Tiến, Phó bí thư H.Ngọc Hiển, cho biết.

Tỉnh và nhà đầu tư chờ Bộ TN-MT trả lời

Ngày 14.9.2016, Bộ TN-MT có quyết định giao khu vực biển cho Công ty Công Lý để làm DA điện gió. Căn cứ quyết định trên, đầu năm 2021, Cục thuế tỉnh Cà Mau có thông báo yêu cầu Công ty Công Lý nộp tiền thuê khu vực biển hơn 26 tỉ đồng. Hiện chủ DA đã nộp hơn 10 tỉ đồng.
Ngày 7.10.2017, Công ty Công Lý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Super Wind Energy để thực hiện DA giai đoạn 1.
Ngày 9.3.2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh nhà đầu tư và nguồn vốn thực hiện DA. Trên cơ sở đó, Công ty Công Lý đã đề nghị cấp thẩm quyền thực hiện điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục có liên quan theo quy định; trong đó có việc đề nghị sửa đổi, bổ sung quyết định về giao khu vực biển chuyển từ Công ty Công Lý sang Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1.
Từ 2018 đến nay, đã 3 năm DA vẫn đang chờ cắm mốc thực địa. UBND tỉnh Cà Mau cũng có nhiều văn bản đề nghị, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào giải quyết cụ thể.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, việc thu tiền thuê mặt biển đối với diện tích chưa bàn giao, thay đổi chủ đầu tư mới đối với Công ty Công Lý là không hợp lý. Do đó, tỉnh có kiến nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xem xét, tham mưu Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Tài chính, bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với DA xét đến các yếu tố khách quan như: Có quyết định giao nhưng thực tế Công ty Công Lý chưa khai thác, sử dụng khu vực biển; thời gian cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty Công Lý kéo dài (điều chỉnh, bổ sung quyết định giao khu vực biển), đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa nhà nước và doanh nghiệp, giao khu vực biển cho nhà đầu tư mới để sớm được thực hiện DA... nhưng đến nay những đề xuất, kiến nghị vẫn không được trả lời.
Ngày 11.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết đến nay Bộ TN-MT vẫn chưa sửa đổi chủ đầu tư mới của DA theo như quyết định ngày 9.3.2018 của Thủ tướng Chính phủ nên Chủ đầu tư mới không thể triển khai DA.
Trong khi đó, Công ty Công Lý, chủ đầu tư cũ lại bị tính thuế tiền sử dụng khu vực biển là không hợp lý.
"Tỉnh đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ, ngành T.Ư xem xét kiến nghị của công ty này. Đồng thời, có nhiều báo cáo đăng ký làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Cà Mau, trong đó có DA điện gió nêu trên. Tuy nhiên, đến nay, UBND tỉnh chưa nhận được văn bản giải quyết dứt điểm về giao khu vực biển cho DA", ông Thánh nói.
Ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cũng đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ TN-MT đề nghị xem xét lại các vấn đề có liên quan đến DA Nhà máy Điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1.

 DA Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 14.1.2016. DA được xây dựng trên diện tích đất liền và mặt biển trên thềm lục địa 2.165 ha; công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng. DA được xây dựng tại xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau do Công ty Công Lý làm chủ đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.