Cà Mau gặp khó trong việc chọn địa điểm xây dựng hồ nước ngọt

30/07/2015 08:06 GMT+7

Tháng 6.2013, tại hội thảo công bố giai đoạn 1 dự án “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau” do Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra kịch bản cảnh báo nạn khai thác mạch nước ngầm tràn lan cộng với tình trạng chặt phá rừng bừa bãi như thời gian qua sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho tỉnh Cà Mau, nếu ngành chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tháng 6.2013, tại hội thảo công bố giai đoạn 1 dự án “Sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau” do Bộ NN-PTNT phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra kịch bản cảnh báo nạn khai thác mạch nước ngầm tràn lan cộng với tình trạng chặt phá rừng bừa bãi như thời gian qua sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho tỉnh Cà Mau, nếu ngành chức năng không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương, đồng thời giao cho Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT sớm nghiên cứu tìm phương án tối ưu xây dựng hồ chứa nước ngọt ở vùng U Minh Hạ để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Cà Mau, thay cho việc sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, đến nay, dự án xây dựng hồ nước ngọt ở Cà Mau vẫn chưa thể triển khai do chưa chọn được mặt bằng xây dựng.
Ngày 27.7, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn (khoảng 450 tỉ đồng) để xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt tại Vườn quốc gia U Minh Hạ. Diện tích mặt hồ khi xây dựng là 190 ha, diện tích sử dụng 360 ha. Nhưng theo phương án xây dựng hồ tại Vườn quốc gia U Minh Hạ đã được Chính phủ phê duyệt, thì Ngân hàng Thế giới không thống nhất do ảnh hưởng đến diện tích rừng đặc dụng. Còn nếu chọn ở vị trí khác thì sẽ ảnh hưởng đến gần 40 hộ dân nhận đất rừng giao khoán.
Theo tính toán sơ bộ, số tiền hỗ trợ, bồi hoàn để di dời, tái định cư... cho các hộ dân lên đến hơn 250 tỉ đồng; trong khi địa phương không có nguồn tiền này”.
Theo tính toán của tỉnh, nếu xây dựng hồ sinh thái chứa nước ngọt như trên sẽ chủ động được hơn 10 triệu m3 nước phục vụ cho hơn 500.000 hộ dân trong tháng mùa khô. Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh Cà Mau hiện có gần 1.200 giếng khoan cung cấp nước tập trung, với lượng nước được bơm hơn 373.000 m3/ngày, nhưng không phân bố đều trên toàn tỉnh mà tập trung vào một vài nơi ở đô thị.
Do đó, khu vực này có thể xảy ra lún lớn hơn nhiều so với tốc độ sụt lún chung là 1,56 - 2,3 cm/năm. Theo các dữ liệu thu được từ vệ tinh, bờ biển Cà Mau bị thụt vào từ 100 - 1.400 m trong 20 năm qua. Đánh giá sơ bộ cho thấy sụt lún có thể đã lên đến từ 30 - 70 cm ở nhiều nơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.