Tình trạng sạt lở đê biển Tây ngày một nghiêm trọng |
Theo thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, mỗi năm bình quân các tuyến kênh ở Cà Mau sạt lở 0,5m và bờ biển lở bình quân 5m trên chiều dài khoảng 254 km. Như vậy, mỗi năm tỉnh này bị mất khoảng 927 ha đất do sạt lở. Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng đánh giá tình hình sạt lở ở khu vực mũi Cà Mau và tuyến bờ biển phía tây, phía đông của tỉnh là rất đáng lo ngại. “Nếu không có một giải pháp ngăn ngừa sạt lở kịp thời và hiệu quả thì trong tương lai, khu du lịch Khai Long sẽ biến mất và biểu tượng mũi Cà Mau cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng”, ông Dũng nhận định.
Theo các ngành chức năng ở tỉnh Cà Mau, khó khăn nhất của tỉnh hiện nay là không đủ nguồn kinh phí và chưa có một giải pháp hữu hiệu để thực hiện dự án chống sạt lở về lâu dài, chỉ có thể thực hiện được những biện pháp chống sạt lở tạm thời.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh ghi nhận những khó khăn của tỉnh Cà Mau; đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh cùng các ngành có liên quan nghiên cứu lại các biện pháp chống sạt lở tạm thời. Thứ trưởng cũng cho biết Bộ KH-CN đã giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, các chuyên gia của Viện Khoa học - Thủy lợi Việt Nam “nghiên cứu cơ chế hình thành và phát triển vùng bồi tụ ven bờ và đề xuất giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển bền vững biển ven bờ Cà Mau”. Trong thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Cà Mau để phối hợp với tỉnh tìm ra giải pháp chống sạt lở đạt hiệu quả cao nhất.
Vào ngày 19.4, đoàn cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau và Bộ KH-CN đã đến mũi Cà Mau để khảo sát thực tế, đánh giá tình hình sạt lở (Thanh Niên đã thông tin) để làm cơ sở trưng cầu ý kiến các nhà khoa học nhằm nghiên cứu, đề ra giải pháp phù hợp, đồng bộ xử lý sạt lở tại vùng đất thiêng liêng này.
Gia Bách
Bình luận (0)