Cà Mau phát triển kinh tế lâm nghiệp

28/09/2023 08:00 GMT+7

Cà Mau có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 143.600 ha. Những năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nhằm phát huy tối đa lợi thế lâm nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Khai phá lợi thế

Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn, hệ sinh thái phong phú. Trong đó, loại hình rừng - tôm kết hợp bền vững và giảm phát thải đạt chứng nhận quốc tế được Tổ chức phát triển Hà Lan hỗ trợ xây dựng từ năm 2013. Đến nay, đã có hơn 4.000 hộ, với diện tích hơn 21.900 ha, có chứng nhận tôm - rừng bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Lâm Ngọc Kiên, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, nhận định: "Mô hình phát triển rừng kết hợp rừng và con tôm là hướng đi thiết thực trong bối cảnh hiện nay. Từ đó không chỉ giúp các hộ gia đình, cộng đồng dân cư tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn quản lý tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu".

Hiện, con tôm nuôi dưới tán rừng thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển đang được doanh nghiệp chế biến, thu mua và thực hiện chi trả dịch vụ rừng khi được chứng nhận mô hình tôm - rừng sinh thái. Mô hình này đang phát triển bền vững với số hơn 1.600 hộ tham gia, diện tích 9.400 ha.

Ông Lưu Tấn Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hiển, cho biết việc xây dựng mô hình rừng - tôm kết hợp với bảo vệ rừng có hiệu quả về nhiều mặt. Công tác bảo vệ, trồng rừng đi vào nề nếp hơn, khai thác rừng thực hiện theo phương án quản lý bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cà Mau phát triển kinh tế lâm nghiệp - Ảnh 1.

Khai thác gỗ keo lai ở H.U Minh, Cà Mau

Gia Bách

Trong khi đó, hơn 10 năm qua, khu vực U Minh Hạ đã chuyển đổi một phần diện tích rừng tràm không hiệu quả sang trồng keo lai bằng phương pháp lên liếp trồng tập trung. Nhờ đó, diện tích rừng keo lai tăng nhanh, gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây.

Hiện, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ đang quản lý gần 24.000 ha. Diện tích quy hoạch trồng rừng hơn 19.400 ha, ngoài loài cây tràm bản địa còn có cây keo lai và tràm Úc. Trong đó: rừng keo lai hơn 5.900 ha, tràm thâm canh hơn 7.600 ha, tràm quảng canh trên 2.200 ha.

Ngoài phát triển các mô hình sản xuất kết hợp, tỉnh Cà Mau đã quan tâm mở rộng loại hình du lịch sinh thái gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Nổi bật phải kể đến tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau, đề án Làng văn hóa du lịch Đất Mũi, khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng…

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Bên cạnh tiềm năng và lợi thế, Cà Mau cũng đối mặt với hạn chế như chất lượng rừng trồng chưa cao, lâm sản tiêu thụ chưa ổn định, chưa gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ…

Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, thừa nhận kinh tế rừng đang gặp khó do công nghiệp chế biến lâm sản trong khu vực chưa phát triển. Hiện, ở địa phương chỉ có các cơ sở gia công nhỏ lẻ, chưa có các nhà máy công suất lớn và tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người trồng rừng. Do đó, chưa hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trong trồng, khai thác, chế biến lâm sản.

Nhận diện thực tế, Cà Mau đang tập trung chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh với diện tích 29.000 ha. Theo đó, rừng cây keo lai khoảng 12.000 ha, rừng cây tràm các loại 17.000 ha; trong đó rừng gỗ lớn loài cây keo lai chiếm khoảng 10% diện tích rừng trồng keo tại khu vực U Minh Hạ.

Cà Mau phát triển kinh tế lâm nghiệp - Ảnh 2.

Cà Mau đang tập trung chuyển đổi từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh với diện tích 29.000 ha

Gia Bách

Đối với khu vực rừng ngập mặn, sản xuất và phòng hộ (nơi có sản xuất kết hợp) tập trung phát triển mô hình rừng - tôm bền vững để đạt chứng nhận tôm sinh thái (hữu cơ) theo tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích 38.000 ha, sản phẩm gỗ khai thác cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

Theo ông Trần Văn Thức, để phát huy tối đa thế mạnh của nền kinh tế lâm nghiệp, Cà Mau chú trọng vào cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng sản xuất. Kinh tế lâm nghiệp được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.