Cà Mau: Tập trung hoàn thiện các khu công nghiệp

06/10/2015 11:31 GMT+7

Tỉnh Cà Mau đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và xem đây là giải pháp trọng tâm trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh Cà Mau đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và xem đây là giải pháp trọng tâm trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Khu phi thuế quan Khu Kinh tế Năm Căn đang hoàn thiện hạ tầng - Ảnh Hoàng Giám Khu phi thuế quan Khu Kinh tế Năm Căn đang hoàn thiện hạ tầng - Ảnh Hoàng Giám
Tận dụng tiềm năng
Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng và phát triển, đến nay tỉnh Cà Mau đã quy hoạch xong 4 khu công nghiệp (KCN), gồm: Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc, Năm Căn. Trong đó, KCN Khánh An tập trung các ngành sản xuất dùng khí thấp áp làm nguyên, nhiên liệu, các ngành công nghiệp hóa chất, phân bón; KCN Hòa Trung tập trung các ngành chế biến thủy, hải sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn nuôi trồng thủy sản; KCN Năm Căn thu hút ngành công nghiệp cảng biển, dịch vụ sửa chữa, đóng mới tàu biển, sản xuất ngư cụ, dịch vụ khai thác biển, phục vụ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gắn với cảng Năm Căn; KCN Sông Đốc thu hút các ngành công nghiệp chế biến từ biển, dịch vụ khai thác biển, kho bãi và cơ khí sửa chữa tàu... Bên cạnh đó, Cà Mau cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập khu kinh tế (KKT) Năm Căn, 1 trong 15 KKT ven biển của cả nước, với diện tích 11.000 ha. Đây sẽ là đầu mối giao thương, dịch vụ trong nước và quốc tế.
Trong 5 năm (2010 - 2015), Cà Mau đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 166 dự án, với tổng vốn đăng ký 75.000 tỉ đồng. Đây là tín hiệu lạc quan trong lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh vào những năm tiếp theo. Tuy nhiên, kết quả đầu tư phát triển các KCN, KKT của Cà Mau thời gian qua chưa đáp ứng kỳ vọng và lợi thế của tỉnh. Tỷ lệ lấp đầy các KCN còn hạn chế, quy mô các dự án còn nhỏ, giá trị gia tăng, tỷ trọng công nghệ, đóng góp ngân sách còn thấp. Theo ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KH-ĐT Cà Mau, nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư vào các KCN, KKT của tỉnh là do tình trạng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu này còn yếu, chưa đồng bộ. Cà Mau lại nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của của cả nước, việc đi lại, vận chuyển tốn nhiều thời gian và chi phí cao hơn các địa phương khác.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư
Để thực hiện mục tiêu đưa Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020, Đảng bộ tỉnh xác định sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; kêu gọi đầu tư, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng sẽ vận dụng cơ chế, chính sách và điều kiện của tỉnh để kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sớm hoàn thiện hạ tầng KKT Năm Căn, các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch nhằm kêu gọi đầu tư.
Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, Cà Mau cũng cần xem xét lại các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào các KCN như: giảm giá đất thô cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng, sớm kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý các KCN, KKT. Hiện các KCN, KKT của tỉnh đang nằm trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển còn hạn chế nên tỉnh rất cần được xem xét để tăng mức hỗ trợ đầu tư cho các KCN, KKT; có chính sách ưu đãi hơn về thuế suất, chi phí đào tạo cho doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân sách nên hỗ trợ những dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và đầu tư 100% cho các công trình phúc lợi công cộng trong KCN, như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí... nhằm đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về mặt vật chất và tinh thần cho công nhân lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.