Sau giai đoạn buồn tẻ, đóng cửa liên tục của các phòng trà, gần đây sinh hoạt văn nghệ tại các không gian ấm cúng này bắt đầu khởi sắc.
Giữa tuần này, khán giả TP.HCM có thêm điểm hẹn âm nhạc tại phòng trà Saigon M&Tôi. Ngày 21.12 này, ca sĩ Cẩm Vân sẽ tái khai trương Lio Club (51 Tú Xương, Q.3) khi vừa nâng cấp, biến nơi đây thành điểm dừng chân giải trí mang đậm phong cách Sài Gòn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao của du khách không chỉ trong nước. Sắp tới, nhạc sĩ Lê Quang cũng sẽ trở lại với hoạt động văn nghệ phòng trà, khi anh cùng những người bạn khai trương phòng trà Da Vàng vào 15.1.2012 (tại 206 Pasteur, Q.3).
Không gian nghe nhạc chuyên biệt
Hiện nay tại TP.HCM, người yêu nhạc có thể thoải mái lựa chọn cho nhu cầu giải trí âm nhạc hằng tuần của mình. Nếu thích giai điệu xưa, chuộng không gian âm nhạc mang tính hoài niệm hay là người mộ điệu của những vở ca kịch, đã có phòng trà ca vũ nhạc kịch Tiếng Xưa. Cũng là sân khấu của những ca khúc vượt thời gian, nhưng tính lãng mạn cùng dấu ấn âm nhạc của “cô chủ” được thể hiện rõ hơn, đó là phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết (với những đêm nhạc tiền chiến theo chủ đề và được làm mới bởi những sự kết hợp giọng hát, trong cách dựng bè, hay đêm nhạc Trịnh vào cuối tuần…). Đa dạng trong “thực đơn” hơn, từ những giai điệu bất hủ trong và ngoài nước, từ những ca sĩ tên tuổi, đang được yêu thích đến những gương mặt mới, từ chương trình tổng hợp đến các mini show… có thể đến với phòng trà Đồng Dao, phòng trà Không Tên; hay trẻ trung, hiện đại hơn một chút thì có phòng trà We…
|
Tại Hà Nội, người làm nghề cho biết tuy hoạt động phòng trà không náo nhiệt như TP.HCM, song đã hình thành những không gian nghe đặc trưng (Không gian âm nhạc của ê kíp đạo diễn Việt Tú - Thanh Phương - Chu Minh Vũ tại Khán phòng Ngụy Như Kon Tum, m nhạc trên tầng cao của nhạc sĩ Huy Tuấn tại tầng 19 tòa nhà Pacific Place, hay Maison Sens - Hồn xưa giữa hai thành phố của nhạc sĩ Quốc Bảo ở tòa nhà 61 Trần Hưng Đạo…).
Đạo diễn Việt Tú chia sẻ, có tháng đến 6, 7 chương trình diễn ra, mỗi chương trình một vẻ, vừa mang đến sự phong phú, ấm áp cho đời sống âm nhạc, lại khiến người trong giới hứng thú đầu tư hơn cho các dự định của mình.
Đến phòng trà không chỉ vì ca sĩ
Đó là hướng để nhạc sĩ Lê Quang biên tập nội dung cho các chương trình của phòng trà Da Vàng khi mở cửa. Anh cho rằng dù là giải trí, nhưng làm sao đừng để khán giả đến phòng trà chỉ để nghe ca sĩ hát rồi thôi. “Chúng tôi cố gắng thực hiện những đêm nhạc có chất lượng, để người xem sau khi ra về nhớ đến nội dung chương trình chứ không chỉ có giọng hát. Làm sao để đêm nhạc dù không có ngôi sao nhưng vẫn tạo được dấu ấn”, anh nói. Song song đó, anh sẽ phối hợp với các ca sĩ thực hiện chương trình m nhạc chiều cuối tuần (có thể ra mắt CD, hay ca sĩ có ý tưởng mới và muốn thăm dò cảm xúc khán giả…).
Ở Saigon M&Tôi, biên tập Nguyễn Tuấn mong muốn sẽ được khán giả nhớ đến với những đêm nhạc tác giả - tác phẩm (đầu tiên là Việt Anh, sau đó có thể Dương Thụ, Thanh Tùng, Huy Tuấn, Đỗ Bảo…), cũng như sự kết hợp song - tam - tứ ca, dựng clip cho màn hình led… mà phòng trà thực hiện riêng cho những đêm đặc biệt của mình. Trong khi đó, cùng với việc khích lệ tinh thần các ca sĩ trẻ, phòng trà We tạo sự chú ý với những chương trình nhạc kịch (đã diễn Thằng gù nhà thờ Đức Bà 2 lần, dự kiến tiếp tục thực hiện những vở khác trong năm tới). Với phòng trà Không Tên, từ “ưu thế” quan hệ rộng trong giới (chủ là vợ chồng ca sĩ Lệ Quyên), nơi đây trở thành nơi hội ngộ thường xuyên của những ca sĩ hải ngoại, ngôi sao trong nước, từ đầu tuần chứ không riêng cuối tuần. Anh Đức Huy, giám đốc phòng trà nói thêm, dẫu nhiều “sao” nhưng để “giữ chân”, tạo cảm xúc mới mẻ cho khán giả, các chương trình riêng của ca sĩ tại đây cũng được biên tập và chăm chút kỹ lưỡng. Bởi, nhìn “ở ngoài” thấy sôi động, hấp dẫn, nhưng việc kinh doanh phòng trà bây giờ vất vả hơn trước nhiều; và như các chủ phòng trà tâm sự, chỉ có dân trong nghề, yêu nghề mới kiên trì và duy trì được.
Nguyên Vân
Bình luận (0)