‘Tổ chức, cá nhân lập quy hoạch treo, gây lãng phí đất có phải bồi thường?’

Mai Hà
Mai Hà
03/11/2023 11:36 GMT+7

Cho rằng dự thảo luật vẫn chưa có quy định chấm dứt tình trạng quy hoạch treo, gây ảnh hưởng thiệt hại cho người dân, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đặt câu hỏi: tổ chức, cá nhân lập quy hoạch treo có chịu trách nhiệm bồi thường không?

Thảo luận về luật Đất đai sửa đổi sáng 3.11, nêu ý kiến về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề xuất chọn phương án 1 - phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.

‘Cá nhân phê duyệt quy hoạch treo, gây lãng phí đất có phải bồi thường?’ - Ảnh 1.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh)

GIA HÂN

Theo ông Phương, báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã phân tích cho thấy, dù chọn phương án nào cũng có tác động lớn trong thực tế. Vì việc mở rộng đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp là cách tiếp cận hoàn toàn mới so với luật hiện hành. Trước đây chưa triển khai nên chưa có cơ sở tổng kết thực tiễn.

Đại biểu Tây Ninh cho rằng, phương án 1 đảm bảo đối tượng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa sử dụng đất đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa nhưng sử dụng không đúng mục đích.

“Nếu không kiểm soát chặt chẽ lợi ích nhóm có thể xảy ra khi quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp”, đại biểu Phương nói.

Đại biểu Quốc hội: Tổ chức, cá nhân lập quy hoạch treo, gây lãng phí đất có phải bồi thường?

Với Điều 76 về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện, theo ông Phương, dự thảo vẫn chưa đưa ra được quy định chấm dứt tình trạng quy hoạch treo, gây ảnh hưởng thiệt hại cho người dân.

“Dự thảo chưa làm rõ vai trò của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chậm triển khai thực hiện, gây lãng phí tài nguyên đất đai có chịu trách nhiệm bồi thường không, xử lý ra sao, thực hiện thế nào?”, đại biểu Tây Ninh nói và đề nghị cần quy định rõ hơn.

Ông cũng đề xuất giữ quy định không phân bổ chỉ tiêu quy hoạch đất cấp tỉnh, cấp huyện mà tạo sự linh hoạt, giao cho địa phương trên cơ sở phù hợp nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Tây Ninh cũng đề xuất mở rộng đối tượng thu hồi đất vì mục đích lợi ích quốc gia và cộng đồng với khu vui chơi giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại dịch vụ. Lý do theo các chuyên gia kinh tế, khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng kinh doanh dịch vụ hiện nay chưa thuận lợi và khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

‘Cá nhân phê duyệt quy hoạch treo, gây lãng phí đất có phải bồi thường?’ - Ảnh 2.

Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh

GIA HÂN

Tranh luận về Điều 76, theo đại biểu Lê Xuân Thân, dự thảo quy định hàng năm cấp huyện phê duyệt, nhưng trong 2 năm chưa điều chỉnh hủy bỏ thì người dân được sử dụng bình thường, không bị hạn chế.

Dù có đại biểu cho rằng quy định này của dự thảo là tiến bộ, song theo ông Thân, nghiên cứu luật Đất đai hiện hành 2013 thì dự thảo mới sửa từ 3 năm xuống 2 năm, mà không khắc phục được tình trạng kéo dài của các dự án và các quy hoạch, kế hoạch kéo dài.

“Cần một sự đổi mới mạnh mẽ hơn, khi kế hoạch đất hàng năm không thực hiện có thể chuyển tiếp sang năm thứ 2, hết năm thứ 2 phải hủy bỏ”, ông Thân nói và cho rằng, kế hoạch sử dụng đất kéo dài vô thời hạn sẽ kéo theo quyết định thu hồi đất của người dân cũng kéo dài vô thời hạn. Đề nghị quy định thời hạn với thông báo thu hồi đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm.

Đại biểu cũng cho biết, vẫn có địa phương quyết định thu hồi đất đã ban hành cách đây 7 - 8 năm. Tình trạng kéo dài khiến đời sống người dân không ổn định và gây ra nhiều hệ lụy khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.