Theo báo cáo, qua test nhanh và RT-PCR, từ ngày 23.10 - 7.11, Q.12 ghi nhận hơn 8.000 ca F0; H.Cần Giờ ghi nhận 359 ca nhiễm mới (ngày 1.10 - 6.11); H.Nhà Bè ghi nhận 2.551 ca F0 (1.10 - 4.11); H.Bình Chánh ghi nhận 6.201 ca F0 (từ đầu tháng 10 đến nay); H.Hóc Môn có 6.712 ca F0 (23.10 - 5.11)… Đặc điểm chung của các huyện: Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và Q.12 là phần lớn ca bệnh xuất phát từ khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty.
Tổ y tế lưu động P.14 (Q.10, TP.HCM) thăm khám và phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà |
Ngọc Dương |
Bản tin Covid-19 ngày 9.11: Cả nước thêm 8.133 ca nhiễm mới | Chấm dứt “loạn giá” xét nghiệm |
Kiểm tra việc cấp phát thuốc
Chiều 8.11, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản công bố cấp độ dịch trên toàn TP hiện ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) dựa trên báo cáo của Sở Y tế về đánh giá cấp độ dịch trong tuần lễ từ ngày 29.10 - 5.11. Ở cấp huyện, có 13 địa phương cấp độ 1 (xanh), 7 địa phương cấp độ 2 (vàng) và 2 địa phương cấp độ 3 (cam) gồm H.Nhà Bè, H.Cần Giờ. So với tuần trước, TP.HCM có 2 địa bàn tăng lên nguy cơ cấp độ 3.
Lý giải nguyên nhân khiến 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè có nguy cơ cao, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết Nhà Bè có khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước và gần KCN Long Hậu (Long An). Trong đó, KCN Long Hậu đón nhận nhiều công nhân đến làm việc và tổ chức xét nghiệm, phát hiện nhiều ca dương tính thông qua test nhanh. Tuy nhiên, do KCN này chưa tổ chức được khu cách ly tạm thời, nên hướng dẫn công nhân trở về địa phương. Tương tự, H.Cần Giờ cũng có nhóm công nhân làm việc ở KCN Long Hậu mắc Covid-19 về xã Lý Nhơn dẫn đến nguy cơ tăng lên.
Về gói thuốc cho F0, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết TP đang phát cho bệnh nhân gói A, B với tổng số lượng là 264.500 túi, đã cấp về cho trung tâm y tế quận, huyện để cấp xuống phường xã là hơn 213.000 túi. Trong thời gian tới, tùy theo tình hình dịch Covid-19, ngành y tế sẽ mua thêm 100.000 túi. Riêng gói thuốc C, Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM 50.000 liều thuốc Molnupiravir, TP đã cấp phát xuống địa phương và hiện còn 21.417 túi.
Đối với trường hợp xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) có nguy cơ rất cao (cấp độ 4 - đỏ), ông Nam cho rằng có sự nhầm lẫn số liệu dân cư, thay vì lấy số thực tế hơn 60.000 người thì xã lấy con số hơn 31.000 người. Chiều 8.11, UBND H.Nhà Bè đã báo cáo Sở Y tế việc này và xã Phước Kiển chuyển xuống mức nguy cơ cao (cấp độ 3 - cam).
Theo đó, Sở Y tế chỉ đạo giám đốc các trung tâm y tế chịu trách nhiệm chăm sóc, quản lý và cấp phát gói thuốc A, B, đặc biệt là gói thuốc C (Molnupiravir) cho F0 cách ly tại nhà. Sở Y tế sẽ kiểm tra thực tế công tác quản lý F0 và cấp thuốc cho F0 trên địa bàn. Mặt khác, Sở Y tế sẽ bổ sung danh sách các đội tình nguyện tham gia chăm sóc F0 ở các trạm y tế lưu động, đặc biệt là đối với 4 địa phương có số F0 đang tăng (Q.12, H.Bình Chánh, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức).
Covid-19 sáng 10.11: Cả nước 984.805 ca nhiễm, 842.800 ca khỏi | Hà Nội ghi nhận kỷ lục dịch bệnh |
Lấy mẫu xét nghiệm tương ứng cấp độ dịch
Ngày 8.11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ban hành hướng dẫn tạm thời việc thực hiện công tác xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Theo đó, xét nghiệm giám sát đối với các khu vực nguy cơ, nhóm nguy cơ trên địa bàn dân cư theo kế hoạch giám sát định kỳ, ngẫu nhiên của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương. Thứ nhất, nhóm khu vực nguy cơ: chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện có thể bổ sung các khu vực nguy cơ trên địa bàn. Thứ hai, nhóm nguy cơ tiểu thương, nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé, nhân viên bảo vệ, người lái xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng (shipper)… Với các đối tượng trên, tần suất xét nghiệm định kỳ hằng tháng bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10. Tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm tương ứng theo cấp độ dịch (tính theo cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn. Cụ thể: Địa phương ở cấp độ 1, xét nghiệm 10% đối tượng. Địa phương ở cấp độ 2, xét nghiệm 20% đối tượng. Địa phương ở cấp độ 3 và 4, xét nghiệm 30% đối tượng.
Đối với việc xét nghiệm các hộ gia đình trong khu vực cần điều tra dịch tễ theo quy trình xử lý F0 tại cộng đồng đã được Sở Y tế ban hành, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo test nhanh tất cả F1 trong cùng hộ gia đình và người sống trong phạm vi ổ dịch, không phân biệt tiền sử có tiêm chủng hay tiền sử mắc bệnh Covid-19. Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc khi cần điều tra dịch tễ, hoặc người đến từ địa bàn có dịch cấp độ 4 hoặc người thuộc diện phải cách ly y tế.
Củng cố các đội phản ứng nhanh
Trưa 8.11, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở Y tế nghiên cứu tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đánh giá tình hình dịch sát với thực tế.
Một điểm mới trong công tác xét nghiệm để xác định cấp độ dịch ở TP.HCM thời gian tới là sẽ lấy đủ mẫu, lấy đúng đối tượng. “Phải xét nghiệm được 4 người/1.000 dân, với 4 nhóm, gồm: cơ sở y tế, ổ dịch (khu vực có ca dương tính), nơi tập trung đông người (siêu thị, bến xe) và người về từ vùng dịch”, ông Mãi lưu ý. Đến giữa tháng 11.2021, TP.HCM sẽ có một số điều chỉnh cho đúng với tinh thần Nghị quyết 128. “Ví dụ như địa bàn ở mức độ 1 thì được hoạt động 100%, mức 2 thì được 75%, mức 3 được 50%, mức 4 được 25% hoặc không được hoạt động”, ông Mãi nói.
Để ứng phó tình huống ca nhiễm gia tăng, ông Mãi nhấn mạnh TP.HCM sẽ củng cố các đội phản ứng nhanh cấp thành phố để tăng cường, hỗ trợ các điểm nóng, các địa bàn còn yếu về y tế như Hóc Môn. Sắp tới, Thành ủy TP.HCM và HĐND TP.HCM sẽ thảo luận chủ trương củng cố hệ thống y tế dựa trên quy mô dân số, có cơ chế về kinh phí hoạt động.
Bình luận (0)