Nghệ sĩ VN đầu tiên chơi contrabass
Khách sạn Metropole khánh thành năm 1901, đây là khách sạn có kiến trúc kiểu Pháp sang trọng bậc nhất Hà Nội thời kỳ đó. Ở tầng 1, gần quầy lễ tân là sảnh Grand Cafe - khu vực bán cà phê, rượu phục vụ khách nghỉ tại khách sạn và khách ở ngoài vào. Từ ngày khai trương cho đến 1954, Metropole luôn là nơi lựa chọn của khách nhiều tiền, chính khách ở các quốc gia đến Hà Nội. Xứ thuộc địa thời đó buồn tẻ, để khách có trò giải trí, khách sạn đã mời nhóm nhạc từ Pháp sang chơi ở Grand Cafe vào các tối, còn thứ bảy và chủ nhật thì tổ chức khiêu vũ. Giai đoạn đầu, chơi nhạc chỉ có hai người, một piano và một violin. Grand Cafe còn là nơi đầu tiên ở Hà Nội chiếu các bộ phim câm.
Rồi Hà Nội mọc lên hàng loạt khách sạn: Gà Vàng (Le Coq d’Or, ở góc phố Tràng Tiền - Ngô Quyền), Hà Nội (phố Tràng Tiền, sau 1954 đổi thành Dân Chủ nay là De L’Opera), Terminus (góc Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng), Bồng Lai Tiên Cảnh (Le Splendid) ở phố Lý Thường Kiệt... Cũng như Metropole, những khách sạn này đều có ban nhạc phục vụ khách hằng đêm tại khu vực bán cà phê, và cuối tuần tổ chức khiêu vũ. Chơi nhạc ở đây hầu hết là nhạc công đến từ Pháp, Philippines, Nga...
Năm 1936, lần đầu tiên một nghệ sĩ VN chơi contrabass ở khách sạn Gà Vàng là Nguyễn Xuân Khoát. Năm 1929, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Tình, Phạm Đăng Hinh, Lưu Quang Duyệt... cùng các sinh viên khác, tổng cộng 14 người được chính quyền Pháp cấp học bổng học tại Trường nhạc Viễn Đông ở Hà Nội. Tuy nhiên khóa học chỉ tồn tại được 1 năm vì hết kinh phí. Yêu âm nhạc phương Tây, lại có năng khiếu nên Nguyễn Xuân Khoát vào nhà thờ Công giáo xin thụ giáo các cha cố chơi trong dàn nhạc nhà thờ, tìm tòi ở sách và học thêm ở những người Pháp thành thạo contrabass, violin. Học đi đôi với hành, ông xin ngồi xem ban nhạc chơi ở khách sạn Gà Vàng.
Một tối, người chơi contrabass kẹt việc, ông được thế vào chơi bản Tạm biệt tình yêu (J’ai deux amours), các thành viên quá bất ngờ bởi tiếng đàn tuyệt vời của Nguyễn Xuân Khoát. Từ đêm đó, ông trở thành thành viên chính thức của ban nhạc này. Khi khách sạn Terminus bị đập bỏ để xây Ngân hàng Địa ốc, tại tầng 1, người ta mở quán bar lấy tên là Taverne Royale. Quán nhìn ra hồ Gươm lại có thêm nhạc sống nên thu hút rất đông khách Tây, khách ta. Nguyễn Xuân Khoát đã chơi nhạc ở đây thường xuyên trong nhiều năm. Không chỉ có Nguyễn Xuân Khoát, nhiều nhạc sĩ khác như Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Diệp, Vũ Thành... cũng được các quán cà phê mời chơi nhạc.
Cà phê của người Việt
Đầu thập niên 1930, công chức Việt làm ở sở Tây, tầng lớp trung lưu Hà Nội đã quen ăn bánh Tây vào buổi sáng, uống cà phê nên quán cà phê ra đời nhiều hơn. Số sinh viên du học ở Pháp về nước ngày càng đông, họ đòi hỏi những cái mới trong đời sống tinh thần, đĩa than có giọng ca Tino Rossi chưa làm họ thỏa mãn. Thế là phố Khâm Thiên xuất hiện nhiều tiệm nhảy đầm. Nhưng cà phê ca nhạc vẫn chưa có vì số nhạc sĩ VN còn quá ít, ca sĩ hát tân nhạc cũng chưa nhiều.
Đến thập niên 1940 mới xuất hiện quán cà phê ca nhạc của chủ người Việt, và một trong số đó là quán Nghệ sĩ ở đường Bờ Hồ (nay là phố Đinh Tiên Hoàng), do violinist số một Nguyễn Văn Diệp mở. Quán rất đông, không chỉ người trong giới văn nghệ mà còn có cả trí thức. Hát ở đây có nam ca sĩ Mai Khanh với bài Bên hồ liễu, nữ ca sĩ Bùi Thị Thái - sau này là vợ của ông Đinh Ngọc Liên (còn gọi là Quản Liên), Trưởng ban Quân nhạc Lính Khố Xanh (ngày 2.9.1945, Đinh Ngọc Liên được giao nhiệm vụ chỉ huy ban nhạc Giải Phóng tấu bài Tiến quân ca của Văn Cao trong lễ tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) chuyên hát bài Con chim lạc bạn. Thỉnh thoảng nhạc sĩ Dương Thiệu Tước tới đánh guitar hawaienne, còn nhạc sĩ Thẩm Oánh tới làm xướng ngôn viên. Có thể khẳng định nhạc sĩ Thẩm Oánh chính là MC dẫn chương trình ca nhạc đầu tiên ở Hà Nội, ông có biệt tài ăn nói và nói rất khúc chiết, âm điệu dịu dàng. Ông mặc quần áo đúng mốt, không mất đi vẻ sang trọng.
|
Ở phố Hàng Bông có cà phê ca nhạc Thăng Long với các nhạc sĩ: Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường. Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm có quán Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo. Hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy có đoạn: “Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn tàn thu đi lưu diễn ở trong nam thì ở Hà Nội, chính nhờ giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng. Một thằng bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở một phòng trà ca nhạc lấy tên Thiên Thai ở phố Hàng Gai, cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao”.
Sau này tài tử Ngọc Bảo kể lại, ban đầu đến Thiên Thai chỉ để nghe giọng ca Tino Rossi và dần dần tân nhạc ngấm vào người rồi ông trở thành ca sĩ hát ở quán này. Ở phố Lý Quốc Sư cũng có một quán, chủ tên Bằng, ông này mê văn nghệ sĩ nên hay mời ca sĩ đến hát. Còn quán Thủy Tạ có ban nhạc Lúa Vàng của nhạc sĩ Hoàng Trọng chơi xen kẽ với một ban nhạc Philippines đánh nhạc khiêu vũ. Nếu nghe nhạc ở các quán cà phê trong khách sạn chủ yếu là người Pháp thì tại các quán của chủ Việt, khách hầu hết là người Việt.
Sau 1954, chế độ mới quyết xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân nên không quán cà phê nào dám mời ca sĩ, ban nhạc đến chơi nữa.
Bình luận (0)