Mới đây, mô hình “cà phê với doanh nhân” mà lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phát động đã gây được sự chú ý của dư luận xã hội, có thể coi đó là một trong những hình thức rất sáng tạo, linh hoạt nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; xây dựng một “Chính phủ kiến tạo”. Đó là tăng cường sự thân thiện giữa cơ quan công quyền với phần còn lại của xã hội.
Dĩ nhiên, bản chất của vấn đề này không mới, vì thực chất “cà phê với doanh nhân” cũng chỉ là một trong các kênh để thông qua đó chính quyền có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh các kênh truyền thống và quy củ hơn như việc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu dân cử các cấp, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương…được tổ chức định kỳ.
Phải nói rằng, trong tất cả các hình thức tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân thì “cà phê với doanh nhân” là một trong những hình thức rất đáng nhân rộng, nó vừa thể hiện sự thân thiện, giản dị vừa có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc vì có thể tranh thủ bất cứ lúc nào, chẳng cần phải hội nghị này, hội thảo nọ. Hơn nữa, đây cũng là hình thức công khai, minh bạch để tránh những cái “đi đêm” giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vốn chứa đựng nhiều tiềm ẩn về khả năng nhũng nhiễu, tha hóa.
|
Ai cũng biết doanh nghiệp Việt đang bị bủa vây bởi “hàng rào” thủ tục hành chính khổ ải như thế nào. Theo khảo sát mới nhất về hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, tỉ lệ doanh nghiệp thỉnh thoảng gặp hành vi gây khó khăn khi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước là 43%, thường xuyên là 5%.
Nói vậy để thấy rằng, tính linh hoạt và trong sạch của bộ máy hành chính có ý nghĩa hơn rất nhiều so với các hình thức tiếp xúc với doanh nghiệp. Đôi lúc chỉ cần một cú điện thoại, hoặc thông tin qua báo chí, một cái email là các cơ quan có thẩm quyền có thể vào cuộc để tháo gỡ chứ chẳng cần đợi đến định kỳ để gặp và uống cà phê với Chủ tịch, Bí thư tỉnh, huyện. Bởi vì nền hành chính kiến tạo là kiểu hành chính dọn sẵn các điều kiện, vạch sẵn con đường đi, điều đó đòi hỏi chính quyền phải chủ động bám sát hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải chỉ có cà phê, trà lá là xong việc.
Suy cho cùng thì “cà phê với doanh nhân” mới chỉ là cái “hình thức”, người viết muốn nhấn mạnh cái hình thức ở đây nằm trong mối quan hệ với “nội dung” với tư cách là một cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật. Trong đó không phải khi nào hình thức cũng thể hiện được nội dung và nội dung luôn quyết định đến hình thức. Để thấy rằng hình thức để chính quyền tiếp xúc với doanh nghiệp đôi lúc chẳng có nhiều ý nghĩa, mà cái doanh nghiệp cần nhất đó là tiếp xúc rồi, nắm bắt rồi sẽ giải quyết như thế nào hay là cất vào ngăn tủ.
Với tinh thần cầu thị của một nền hành chính kiến tạo thì việc gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp phải là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu chứ không chỉ là tranh thủ, bên lề. Hẳn nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang cần nhiều hơn thế!
Bình luận (0)