Ca sĩ hát phòng trà - Kỳ 1: Cát sê bèo bọt

23/06/2014 07:06 GMT+7

(TNO) Vượt qua nhiều thử thách, khó khăn trong cuộc sống để 'đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người' nhưng không ít ca sĩ vẫn rơi vào cảnh sống chật vật, cát sê đôi lúc không đủ bù cho tiền son phấn, áo quần…

(TNO) Vượt qua nhiều thử thách, khó khăn trong cuộc sống để “đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người” nhưng không ít ca sĩ vẫn rơi vào cảnh sống chật vật, cát sê đôi lúc không đủ bù cho tiền son phấn, áo quần…

>> Lệ Quyên - Khi 'nữ hoàng phòng trà' ra sân khấu
>> Nở rộ cải lương phòng trà
>> Thanh xướng kịch cho không gian phòng trà


 Trước khi được chú ý tại X-Factor, Quang Đại từng là ca sĩ hát lót ở phòng trà - Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Cát sê hát lót: 100.000 - 200.000 đồng

Nếu thu nhập một ca sĩ nổi tiếng hiện nay được tính từ hàng triệu đến chục triệu cho một "sô", thậm chí là trên 100 triệu thì một ca sĩ phòng trà thông thường có cát sê khá thấp.

Là một ca sĩ hát lót tại phòng trà D., ca sĩ Q. tiết lộ cát sê của anh chỉ tầm 100.000 - 200.000 đồng khi biểu diễn ở một tụ điểm với khoảng 2 bài. “Nhiều lúc mời nước bạn bè đến phòng trà nghe nhạc mà tiền cát sê cũng… không đủ trả tiền nước”, Q. chia sẻ, mặt méo xệch.

Q. cho biết ca sĩ hát phòng trà có khi còn có thêm nguồn thu khác là tiền boa của khán giả nhưng rất ít và cũng phải chia lại cho ban nhạc. Chính vì thế, một ca sĩ hát lót phải tranh thủ đi hát nhiều tụ điểm mới đủ tiền trang trải cho quần áo, phấn son và… xe ôm.

Hà My, top 4 Giọng hát Việt 2013, cho biết sau khi đoạt giải 4 Tiếng hát truyền hình 2003, cô bắt đầu đi hát bar, café với cát sê khi đó chỉ… vài chục ngàn.

Sau khi có thêm nhiều mối quan hệ hơn, Hà My được mời đi hát tại một số phòng trà ở TP.HCM. Cát sê tăng nhưng chỉ là hát lót nên con số cũng chỉ dừng lại vài trăm ngàn, đủ để cô trang trải cuộc sống và mua ít bộ trang phục để thay đổi khi đi diễn.


Phương Mỹ Chi là giọng ca độc quyền của phòng trà WE - Ảnh: Thiên Hương


Và luôn có lượng fan nhất định ủng hộ em trong các đêm diễn phòng trà - Ảnh: Độc Lập

Trong khi đó, theo tiết lộ của một ông bầu, cát sê của những ca sĩ nổi tiếng hiện nay như Noo Phước Thịnh, Cao Thái Sơn, Quang Hà… khi hát phòng trà thì gấp mấy chục lần những ca sĩ phòng trà bình thường.

Ngoài ra, một số giọng hát đặc biệt được mời ký độc quyền với phòng trà thì được trả lương với thu nhập ổn định hơn, chẳng hạn như Phương Mỹ Chi, Trọng Bắc, Hà Vân ký độc quyền với phòng trà WE (TP.HCM).

Tuy vậy, để trở thành ca sĩ phòng trà không phải dễ bởi lẽ trong không gian nhỏ gọn của phòng trà, chỉ cần một lần lạc tông hay sai nốt thì những khán giả tinh ý dễ dàng nhận ra ngay.

Ca sĩ phòng trà lại càng ít có sự hỗ trợ từ việc dàn dựng sân khấu cho đến vũ đoàn, thế nên giọng hát càng được đặt lên hàng đầu. Vì thế mà nếu không có mối quan hệ, một ca sĩ chập chững vào nghề phải chịu cảnh chạy vạy khắp nơi để thử giọng và rèn luyện rất nhiều mới có thể hát trên sân khấu phòng trà.

“Là ca sĩ hát lót nên nhiều lúc, ca sĩ nổi tiếng chưa đến, mình phải hát thêm để kéo dài thời gian, bị khán giả bên dưới phản ứng, nhưng biết làm sao”, Hà My thở dài.

Phòng trà  cũng “than trời”

 
"Những hôm phòng trà vắng khách, dù mình đã thuê trang điểm, làm tóc đâu đó xong xuôi nhưng chờ mãi không đủ khách, chủ phòng trà cũng đành hủy đêm nhạc. Có khi vừa chuẩn bị ra khỏi nhà thì trời mưa, khách vắng, thế là nhận được cuộc gọi hủy "sô". Những lúc ấy chỉ biết thở dài vì cũng không thể trách ai được", ca sĩ Hà My tâm sự.
Hiện nay, tại TP.HCM có khá nhiều phòng trà với những chương trình ca nhạc diễn ra hằng đêm như Không Tên, ATB, WE… Tuy nhiên, tình hình chung vẫn là khó khăn, đặc biệt là những khi bước vào mùa mưa hoặc mùa… World Cup.

Ông Nguyễn Võ Việt Nam, chủ phòng trà WE, chia sẻ: “Nhu cầu thưởng thức âm nhạc giai đoạn này không được ưu tiên nên phòng trà cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Mặt khác, việc tổ chức những đêm nhạc với chủ đề hay, lạ không thể thực hiện liên tục được nên cũng gặp khó khăn”.

Ông Nam cho biết gặp những đêm nhạc khách không đông như mong đợi, nhiều ca sĩ sẵn sàng trả lại hoặc hỗ trợ một phần thù lao của mình cho phòng trà như một cách san sẻ cùng nhau trong tình hình khó khăn chung.

“Điển hình như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Đêm nhạc nào nhận thấy khách không nhiều thì Hưng sẽ gửi lại một ít thù lao của mình để hỗ trợ phòng trà nên được mọi người quý lắm. Thường thì đêm nhạc có ca sĩ nổi tiếng, tiền thu về sẽ cao hơn vì bản thân họ cũng có lượng fan riêng”, ông Nam chia sẻ.


Theo tiết lộ của chủ phòng trà, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thường trả lại thù lao nếu khách không đông - Ảnh: T.H.

Ca sĩ Cẩm Vân, chủ phòng trà Vân’s, cũng cho biết do tình hình kinh doanh khó khăn nên phòng trà của chị không làm những đêm nhạc phụ thu mà chủ yếu là hát với nhau nghe.

Không mời những ca sĩ hạng A nhưng ca sĩ Cẩm Vân tuyển rất kỹ những giọng hát biểu diễn ở phòng trà của mình. Trong đó, không ít giọng ca như Hà My, Mandy Thanh Trúc, Đông Hùng… sau đó đã thành danh khi tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế.

Dĩ nhiên, không chỉ chủ phòng trà mới lo lắng cho doanh thu của mình mà ngay cả những ca sĩ phòng trà với thu nhập không bao nhiêu cũng lo lắng.

Ca sĩ Hà My kể: “Những hôm phòng trà vắng khách, mặc dù mình đã thuê trang điểm, làm tóc đâu đó xong xuôi nhưng chờ mãi không đủ khách, chủ phòng trà cũng đành hủy đêm nhạc. Có khi vừa chuẩn bị ra khỏi nhà thì trời mưa, khách vắng, thế là nhận được cuộc gọi hủy "sô". Những lúc ấy chỉ biết thở dài vì cũng không thể trách ai được”.

World Cup đang diễn ra và thêm một lần nữa, cả chủ phòng trà lẫn ca sĩ đều thấp thỏm, lo âu…

Thiên Hương

>> Cháy phòng trà Da Vàng
>> Lễ tưởng niệm nhạc sĩ Duy Quang tại phòng trà H&M
>> Cải lương vào phòng trà
>> Ca sĩ phòng trà khuấy động "Giọng hát Việt
>> Sinh nhật Phương Thanh tại phòng trà Da Vàng
>> “Mở phòng trà để vừa làm vừa chơi”
>> Phòng trà Da Vàng sáng đèn trở lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.