Cả thế giới trong một cửa hiệu

24/06/2018 10:15 GMT+7

Năm 1901, một nhà vẽ bản đồ tên Edward Stanford mở tiệm bán bản đồ tại Convert Garden, trung tâm London (Anh). Để rồi hơn 100 năm sau, khách du lịch khắp nơi trên thế giới vẫn xếp hàng vào cửa hiệu này.

Tại đây, người kiếm tấm bản đồ du hành ưa thích của mình, kẻ tìm những lời khuyên về thám hiểm, hoặc đơn giản chỉ để nhấm nháp tách cà phê và lên kế hoạch cho chuyến chu du sắp tới của mình...
Ngắm thế giới kiểu khác
Tôi theo chân hai bố con người Pháp vào cửa hiệu Stanfords, khẽ rùng mình khi bước ngang hàng chữ khắc bằng đồng “Cửa hàng lớn nhất thế giới dành cho kẻ du hành - ra đời từ năm 1853”. Cậu bé chừng 6 - 7 tuổi có vẻ rất hưng phấn, nhảy chân sáo và luôn miệng hỏi han bố.
Mặt sau của Stanfords nằm trên một con dốc nhỏ, yên ả giữa trung tâm tài chính London
Tầng một của tiệm thơm nức mùi cà phê và bánh ngọt nhưng chẳng làm cậu bé quan tâm. Chỉ vào cuốn sách phía cao trên kệ, cậu nói với bố: “Đây là quyển Ông già và biển cả, con đã đọc rồi. Còn đây là quyển Hai vạn dặm dưới đáy biển, vẫn đọc chưa xong. Nhưng mình đâu có đi mua sách...”. Thế là cậu không nắm tay bố nữa, tự chạy xuống tầng hầm của cửa hàng. Ông bố mỉm cười, nói như phân bua vì sự hơi ồn ào của cậu nhỏ trong một không gian vốn cần nhiều tĩnh lặng hơn: “Hai hôm nay, ngày nào nó cũng đến mà vẫn chưa chọn xong trái địa cầu của mình”.
Tiệm Standfords (12 - 14 đường Long Acre) gồm ba tầng. Trệt dành cho khách du hành... nghiệp dư, trưng bày sách văn học có chủ đề khám phá thế giới, sách ảnh của National Geographic và sách du lịch dạng Lonely Planet hay Marco Polo... Nổi bật là kệ giới thiệu những tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết về du lịch do Stanfords tự tổ chức, được đóng thành sách bìa thường hoặc bìa da rất trang trọng.
Còn lại, là khăn choàng hình bản đồ, túi xách, nón, sổ... mang màu sắc du hành, những trích dẫn truyền cảm hứng cho việc khám phá thế giới.
Hai cha con người Pháp dành rất nhiều thời gian trong không gian trưng bày địa cầu
Tầng hầm là nơi “cất giấu” bộ sưu tập quả địa cầu của tất cả nhà sản xuất trên thế giới. Phía ngoài là loại để trang trí, với hình dạng quả cầu có đèn bên trong, phát sáng và xoay tròn chầm chậm rất đẹp. Phía trong là hàng trăm mẫu địa cầu khác nhau, đủ hình dạng, kích thước, màu sắc và chất liệu. Này là quả địa cầu làm lại theo mẫu của Viện Bản đồ Hoàng gia Anh từ 150 năm trước, kia là quả cầu với các mảnh ghép khác nhau để có thể tính toán kinh, vĩ độ một cách chi tiết, là quả cầu nằm trong máy chiếu để chiếu hình ảnh lên tường...
Cậu bé ríu rít nói bên cạnh ông bố, cậu dùng ngón tay chạm rất khẽ vào trái địa cầu, với tất cả sự âu yếm và say mê. Hình như họ đang cùng nhau vừa chơi trò tìm kiếm vị trí của các quốc gia, vừa chọn quả cầu cho mình.
“Thánh đường” của bản đồ thế giới
Không muốn quấy rầy không gian riêng của hai bố con, tôi đi quanh một vòng. Hóa ra tầng hầm còn trưng bày bản đồ và sách hướng dẫn du lịch của tất cả quốc gia vùng châu Á và châu Phi. Tò mò tìm kiếm khu vực của VN, thấy rất đã đời vì có tới hơn mười loại bản đồ của xứ mình, bao gồm bản đồ VN phát hành, bản đồ của Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nhất là bản đồ du lịch ba nước Đông Dương. Sách hướng dẫn cũng “hằng hà sa số”, khác nhiều với những tựa sách du lịch VN hay bày bán ở sân bay.
Góc trong cùng của tầng hầm là khu vực thám hiểm hàng hải gồm bản đồ biển, đảo và sinh vật biển đi kèm rất nhiều vật dụng dành cho những người có sở thích chu du trên sóng nước. Ngoài ra, có hẳn một khu dành cho những ai muốn khám phá thế giới bằng xe đạp, với những cung đường mà chỉ có dân trong nghề hoặc thổ địa mới biết. Thật là nghề chơi cũng lắm công phu.
Tầng trên cùng được xem là “thánh đường” của bản đồ thế giới. Bên ngoài, là nơi tập hợp bản đồ của các nước vùng châu Mỹ, châu Âu và khu vực dành cho dân leo núi. Bên trong, mới thực là không gian kỳ diệu của bản đồ.
Gọi kỳ diệu bởi sự trang trọng mà họ dành cho những người làm bản đồ (map maker) và những nhà bản đồ học (cartographer). Không gian này lý giải vì sao người sáng lập của Stanfords được vinh danh là “Nhà cung cấp văn phòng phẩm của Hoàng gia Anh” và là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới Hiệp hội Bản đồ thế giới: Ông không chỉ là người làm bản đồ, mà còn là nhà sưu tập bản đồ, lại là người chuyển giao bộ sưu tập của mình cho thế giới và quan trọng nhất, là người truyền cảm hứng cho việc cầm bản đồ đi khám phá thế giới.
Ở đó, có không gian cho bản đồ của nhà Stanfords thực hiện, có bản đồ họ mua bản quyền, có bộ sưu tập bản đồ xa xưa nhất thời Columbus đi khám phá ra châu Mỹ, bản đồ viễn chinh của thực dân, bản đồ truyền đạo của Giáo hội Công giáo. Lại có cả bản đồ các vì sao, loại dành cho thiên văn học và chiêm tinh gia. Có thêm bản đồ các loại cây trồng, khoáng sản và thực vật của cả thế giới. Và có một tấm bản đồ được treo rất trang trọng phía trên với lời tựa “Cuộc viễn chinh vĩ đại nhất thế giới”: Bản đồ của những nhà du hành vũ trụ lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng...
Bản đồ kho báu và... Google Maps
Xuất phát điểm là nhà làm bản đồ nên ở Stanfords khách có thể đặt in tại chỗ các bản đồ trong bộ sưu tập với kích thước khác nhau. Tôi đứng cạnh nhóm sinh viên đến từ Hà Lan đang hào hứng xem bản đồ về các dòng nước trên đại dương. Họ đứng ngắm rất lâu, tra xét các chi tiết một cách tỉ mỉ và đối chiếu với dữ liệu đang lưu trên điện thoại của mình.
Tôi buột miệng hỏi: “Chẳng phải tất cả thứ này đều có trên Google Maps rồi sao?”. Cô gái nhoẻn miệng cười: “Đâu thể đánh đồng như vậy được. Cái khác lớn nhất là giá trị tinh thần, bản đồ sống này rất thu hút, giống như có linh hồn vậy. Chưa kể, xem bản đồ trên máy tính, mình chẳng có chút kết nối nào với những người đã làm ra nó. Còn ở đây là rất nhiều dấu vết thời gian, mình như thấy họ đã phải vất vả và tâm huyết đến mức nào để vẽ được một cái bản đồ, định hướng cho cả thế giới đi sau họ. Vẻ đẹp của bản đồ sống không thể nào vượt qua bởi sự tiện dụng của Google Maps đâu...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.