Tình trạng thiếu giáo viên dạy bộ môn như âm nhạc được chia sẻ trong hội thảo khoa học "Thực tiễn triển khai chương trình GDPT 2018 tại các trường THPT" do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức vào sáng 8.4.
26 trường THPT chỉ có 1 giáo viên âm nhạc
Báo cáo tại hội thảo, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, chia sẻ những khó khăn và thuận lợi khi thực hiện nội dung chương trình GDPT 2018 lớp 10 tại tỉnh này trong năm học 2022-2023.
Theo ông Thái, toàn tỉnh hiện có 28 trường THPT, trong đó có 26 trường công lập. Khó khăn nhất hiện nay là tất cả trường THPT công lập trong tỉnh đều chưa có giáo viên âm nhạc, trừ Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo có 1 giáo viên. Như vậy, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 1 giáo viên âm nhạc nên chưa thể triển khai dạy học môn học này cho lớp 10 theo chương trình GDPT 2018.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Thái nói: "Khi đi tư vấn tuyển sinh có học sinh cho biết không dám học ngành sư phạm do thấy tình trạng dư thừa nhân lực. Các em nói như vậy là đúng nhưng 4 năm sau khi ra trường hy vọng tình trạng này chấm dứt". Liên hệ địa phương mình, ông Thái cho biết đến nay tỉnh Bình Thuận đã giải quyết chấm dứt hơn 300 giáo viên thừa. Năm sau, tỉnh sẽ tuyển thêm giáo viên trên cơ sở rà soát lại số liệu học sinh, số lớp, môn học và giáo viên cụ thể.
Ông Thái còn nói về thực trạng giáo viên dạy nội dung giáo dục địa phương. Theo đó, việc biên soạn tài liệu, giáo trình, tư liệu phụ thuộc vào năng lực của giáo viên, điều kiện thực tế của địa phương. Do đặc thù vùng miền nên việc tổ chức các hình thức dạy nội dung giáo dục địa phương kém phong phú, các trường THPT ít thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin…
Khoảng 35% giáo viên gặp rất nhiều trở ngại khi dạy chương trình mới
Tham dự hội thảo, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cũng nêu lên nhiều thách thức đối với giáo viên giảng dạy chương trình GDPT 2018 ở khối 10 năm học 2022-2023. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy khoảng 60% thầy cô cho rằng chỉ gặp một vài khó khăn và khoảng 35% giáo viên gặp nhiều và rất nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện chương trình mới.
Theo bà Tâm, thách thức lớn mà giáo viên phải đối mặt là phân phối giảng dạy theo khung chương trình ngắn, thời lượng ít, trong khi nội dung cần truyền tải khá nhiều nên thầy cô phải dạy nhanh để kịp tiến độ.
"Thực tế cho thấy giáo viên rất muốn sử dụng các phương thức, phương tiện dạy học tích cực. Tuy nhiên, do thời gian không cho phép và để đảm bảo kiến thức cho học sinh, thầy cô lại chọn cách truyền tải một chiều như trước đây. Theo khảo sát, khoảng 53% giáo viên gặp phải trở ngại này trong quá trình giảng dạy", bà Tâm chia sẻ.
Cũng theo bà Tâm, 43,6% thầy cô cho rằng họ gặp một vài rào cản khi sách giáo khoa mới chưa đáp ứng đủ hoặc quá nặng về mặt kiến thức và vận dụng. Một số giáo viên vẫn chịu ảnh hưởng thói quen cũ, xem sách giáo khoa là pháp lệnh và lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà không quan tâm nhiều đến khung chương trình của bộ môn.
Ngoài ra, giáo viên phải đối mặt với những áp lực về kết quả giáo dục do mối tương quan giữa việc dạy học và kiểm tra đánh giá chưa thực sự tương thích. Không chỉ riêng học sinh, đôi khi chính các thầy cô còn khá mơ hồ, hoang mang mỗi khi ra đề thi theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất.
Chương trình GDPT 2018 thiết kế thêm hai môn học bắt buộc hoàn toàn mới gồm hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và giáo dục địa phương. Tuy nhiên, đa số giáo viên được phân công giảng dạy các môn học này đều là thầy cô được đào tạo với chuyên môn khác. Do vậy, họ gặp một số trở ngại bước đầu khi được giao giảng dạy bộ môn mới.
Giải pháp nào về bài toán giáo viên?
Từ bài học kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên địa bàn, ông Phan Đoàn Thái nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên.
Ông Thái cho rằng: "Để chương trình GDPT 2018 đi đến thành công, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Bởi đây là nguồn lực tiên quyết, quyết định sự nghiệp đổi mới giáo dục. Việc trang bị kiến thức, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên cần được chú trọng đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên".
Tuy nhiên, ông Thái cũng lưu ý, bản thân mỗi giáo viên cần chủ động bám sát mục tiêu chương trình để xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp, tiếp cận phương tiện, hình thức, công cụ dạy học hiện đại; khai thác nguồn học liệu số hiệu quả nhằm phát huy tối đa năng lực tự chủ của người học, tạo sự sinh động, sôi nổi cho mỗi giờ học. "Bên cạnh việc dạy kiến thức, thầy cô cần quan tâm, động viên, nắm bắt tâm lý, cảm xúc của học sinh để giúp các em có được tâm thế học tập tốt nhất", ông Thái đề xuất.
Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết trường này đã triển khai phương án tối ưu theo đúng tinh thần định hướng của Bộ GD-ĐT khi xây dựng chương trình GDPT 2018, đáp ứng 100% nhu cầu chọn môn của học sinh lớp 10.
Dù vậy, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng khó tuyển giáo viên các môn âm nhạc và mỹ thuật cho những năm tiếp theo dù nhà trường được phân cấp tuyển dụng. Việc phân công giáo viên phụ trách hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương cũng gặp khó khăn vì giáo viên chưa được đào tạo giảng dạy 2 nội dung này. Bà Hiền cho biết thêm, mùa hè năm 2022, nhà trường đã đăng tuyển giáo viên mỹ thuật, âm nhạc và đã tuyển được giáo viên.
"Với khó khăn chung là không có nguồn tuyển, mùa hè tới đây, trường sẽ tiếp tục tuyển dụng giáo viên âm nhạc và mỹ thuật nhưng không biết có tuyển được hay không", bà Hiền chia sẻ.
Bình luận (0)