Cá, tôm gánh cả phí nghỉ đêm của cán bộ

19/05/2017 10:00 GMT+7

Để 'Năm giảm phí cho doanh nghiệp' mà Thủ tướng đã quyết trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp vừa qua có hiệu quả, theo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, khó nhất vẫn là những loại phí 'lệ làng', phí bôi trơn.

Năm 2015, câu chuyện một con gà “cõng” đến 14 loại phí từng được đặt lên nghị trường với rất nhiều bức xúc nhưng sau gần 2 năm, các nhà kinh doanh gà cho biết con gà họ nuôi vẫn đang “oằn lưng” bởi hàng loạt phí trước khi ra đến chợ. Đó là phí kiểm dịch gà con lúc mới nở, phí tiêu độc, phí khử trùng, phí lấy mẫu nước xét nghiệm, phí kiểm dịch, phí môi trường, kiểm soát giết mổ, phí vận chuyển, ra đến chợ lại đóng tiếp phí môi trường tại chợ... vẫn còn “nguyên giá trị”. “Tôi chưa thấy bỏ được khoản nào, vì phí môi trường, an toàn tại chợ chúng tôi vẫn đóng, trong khi trước đó người giết mổ gà cũng đã đóng phí môi trường, người nuôi gà tại trang trại cũng đóng phí môi trường…”, ông Dũng, chuyên kinh doanh thịt tại chợ đầu mối Hóc Môn, thông tin.
Mất tiền tỉ cho một loại phí
Năm giảm phí phải cần sự đồng hành từ các cơ quan thực thi, cần thái độ trách nhiệm của mỗi cán bộ trong bộ máy vận hành mới hiệu quả được
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), từ đầu năm đến nay, có nhiều khoản phí và lệ phí mới phát sinh hoặc tăng cao, tạo tâm lý bất an trong giới đầu tư kinh doanh thủy hải sản. Các loại phí doanh nghiệp (DN) ngành này đang “gánh” gồm: phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu là quá cao; phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP); thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP cũng quá cao; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản... Hay phí kiểm tra, giám sát hàng động vật, sản phẩm động vật nay đã tăng lên 2 lần so với quy định trước đây; phí kiểm dịch lô hàng trước đây không thu nay lại thu…
VASEP nhận định, một trong những loại phí bất hợp lý nhất là “Phí thẩm định xác nhận kiến thức ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản” cho người lao động với mức thu 50.000 đồng/người/lần. Đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định và xác nhận kiến thức là Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - NAFIQAD (thuộc Bộ NN-PTNT). Trong khi những DN chế biến thực phẩm không thuộc 3 lĩnh vực nói trên lại do Bộ Y tế hoặc Bộ Công thương cấp xác nhận với mức phí 30.000 đồng/người/lần. Thực tế, bản chất thực hiện việc xác nhận kiến thức ATTP trong tất cả các DN chế biến thực phẩm đều tương tự nhau.
Hay phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu với mức 350.000 đồng/lô hàng theo quy định mới tại Thông tư số 286, có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, cho biết: “Mức phí tăng theo quy định mới là rất cao, làm gia tăng chi phí đáng kể của DN do trước đây không phải trả chi phí này. Ước tính tại Công ty xuất khẩu cá tra Vĩnh Hoàn, chỉ riêng loại phí này làm phát sinh số tiền đến 1,26 tỉ đồng trong năm 2016. Còn một DN sản xuất hải sản khô, thuộc diện nhỏ tại nam Trung bộ cũng cho biết, họ phải đóng khoảng 100 triệu đồng trong năm qua”.
Thu cao để... cán bộ nghỉ đêm
Với các loại phí tăng từ đầu năm đến nay, các DN kiến nghị Bộ Tài chính rà soát để giảm phí xuống mức phù hợp theo nguyên tắc quy định của luật Phí và lệ phí. Cụ thể, trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN không quá 200.000 đồng/lô hàng. Với các hàng mẫu không phải để bán, DN chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm đó, nên bỏ khoản kiểm tra ATTP.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó cục trưởng NAFIQAD, trong một cuộc gặp gỡ DN mới đây thừa nhận phí xác nhận kiến thức ATTP của Bộ NN-PTNT hiện nay đang cao hơn 2 bộ còn lại, song lại “tố” có những loại phí khác thì 2 bộ Y tế và Công thương đang thu cao hơn. Cụ thể, thu để cấp giấy chứng nhận ATTP hiện hai bộ Y tế và Công thương đang thu “cao hơn rất nhiều” so với Bộ NN-PTNT. “Tôi không so sánh giữa bộ này bộ kia, vì giữa các bộ dù có sự tương đồng nhưng lại có đặc thù riêng nên đưa ra chi phí hoàn toàn không đồng nhất. Việc Bộ NN-PTNT thu phí xác nhận kiến thức ATTP cao hơn các bộ khác là do hiện nay Bộ NN-PTNT chưa phân cấp về từng địa phương mà còn quản lý theo vùng (cả nước có 3 vùng); các bộ khác đã phân cấp quản lý đến từng địa phương. Chi phí tăng thêm là phần chi phí cho cán bộ nghỉ lại đêm khi xuống thực hiện việc giám sát và cấp giấy chứng nhận. Đó là lý do tại sao phí này vênh lên 50.000 đồng/người so với 30.000 đồng/người của 2 bộ Y tế và Công thương”, ông Phong lý giải.
Lãnh đạo một DN (không muốn nêu tên) phân tích: Đặc thù của các DN ngành nông, lâm, thủy sản là sử dụng nhiều lao động, từ vài trăm đến vài ba ngàn lao động trong mỗi DN. Mức chênh lệch để “nghỉ đêm” 20.000 đồng tính theo đầu lao động đối với các DN thủy sản ở ĐBSCL là một con số rất lớn, trong khi giá phòng khách sạn hạng trung ở nhiều địa phương chỉ có 500.000 đồng/ngày đêm. Đây là điều vô cùng bất hợp lý, cần phải tháo gỡ.
Xử lý tận gốc phí "bôi trơn"
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định: “Sự kiện Thủ tướng Chính phủ tuyên bố năm nay là năm giảm phí cho DN là một quyết định vô cùng hợp lý, bởi hiện nay tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Giảm phí sẽ tạo điều kiện cho DN có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới”.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, quyết tâm giảm phí cho DN là một chính sách thực tế và được DN ủng hộ tuyệt đối. Tuy nhiên, hiểu rộng ra thông điệp của Thủ tướng là giảm chi phí cho DN thì đúng hơn và đây là một hành trình không đơn giản, đầy cam go. Nhiều DN nhận xét, thực tế họ không sợ chính sách, “chỉ sợ những người thực thi chính sách. Lâu nay tồn tại thực tế là trên nóng hôi hổi, quyết tâm thay đổi kỳ được; nhưng cấp dưới, đặc biệt cán bộ tại một số cơ quan địa phương lại vẫn giữ nguyên cách làm cũ, làm nguội ý chí quyết tâm thay đổi của Chính phủ. Có câu “Quan xa không bằng nha gần” mà”, ông Long ví von.
“Những trường hợp mà doanh nghiệp không thể phản ánh trực diện với cơ quan quản lý mà phải dùng nặc danh để đi tố cáo là đường cùng rồi. Thế nên, năm giảm phí phải cần sự đồng hành từ các cơ quan thực thi, cần thái độ trách nhiệm của mỗi cán bộ trong bộ máy vận hành mới hiệu quả được”, ông Long nói và cho rằng: “Ngoài việc rà soát lại biểu phí mà DN đang gánh, cái nào thừa, hoặc phí chồng phí, hoặc không cần thiết, loại bỏ ngay. Thứ hai, những loại phí cao, các bộ cũng ngồi lại tính toán thế nào để điều chỉnh giúp DN cạnh tranh tốt. Đặc biệt là phí “chung chi” hay DN gọi là phí “bôi trơn”, phải có cơ quan điều tra độc lập và xử lý, không chỉ điều tra để có con số báo cáo là xong. Điều tra, có kết quả, xử lý tận gốc và bảo vệ DN tố cáo thì mới làm trong sạch môi trường đầu tư”.
Hàng mẫu 2 triệu đồng, chi phí kiểm tra 1,2 triệu đồng
Đại diện Công ty CP nông nghiệp Gap bức xúc cho hay một gói bánh hàng mẫu được gửi từ nước ngoài về trị giá chưa tới 2 triệu đồng, nhưng DN phải đóng chi phí kiểm tra ATTP lên đến 1,2 triệu đồng. Đáng nói là theo quy định của các cơ quan hải quan, các loại hàng hóa thực phẩm dạng quà biếu, hàng mẫu thường miễn thuế, nhưng việc đòi hỏi kiểm mẫu thuộc cơ quan khác phụ trách nên DN bị “hành” từ khâu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.