Cá tra dư địa lớn nhưng khó phát triển

09/05/2016 21:58 GMT+7

Dư địa thị trường của sản phẩm cá tra VN trên thế giới rất lớn nhưng khó đẩy mạnh phát triển vì giá bán và hình ảnh sản phẩm không cao.

“Khi nói đến thủy sản VN người ta nghĩ đến sản phẩm cá tra. Nó rất nổi tiếng. Nhưng thực tế trên thị trường đó chỉ là những bọc thịt cá phi lê đông lạnh nằm trong các túi bóng mờ mờ, nằm khiêm tốn trong các tủ đông ở các siêu thị. Nó không hề gây một ấn tượng đáng kể nào với người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là châu Âu. Ở châu Âu nó chỉ thuộc phân khúc thứ 4, dành cho những người thu nhập thấp”, TS Nguyễn Tiến Thông, Giảng viên Trường ĐH Nam Đan Mạch (từng công tác tại ĐH Nha Trang) cho biết.
Đây là một trong những nội dung trong nghiên cứu của TS Thông với tựa đề: “Nhu cầu thế giới, khả năng cạnh tranh và quản trị chuỗi toàn cầu đối với sản phẩm cá tra VN”. Đây cũng là chủ đề hội thảo do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) và Trường ĐH Nha Trang phối hợp tổ chức vào hôm nay 9.5 tại TP.HCM.
Theo TS Thông, qua nghiên cứu cho thấy nếu VN tăng nguồn cung 1%, giá xuất khẩu bình quân chỉ tăng có 0,419% và hầu hết các khu vực thị trường đều ở mức dưới 0,5%. Tỉ lệ này cho thấy dư địa để phát triển sản lượng xuất khẩu còn rất lớn. Những gợi ý cắt giảm sản lượng cung là không có cơ sở. Các thị trường Nam Mỹ, Trung Âu và Nga, châu Á và châu Úc còn nhiều tiềm năng xuất khẩu. Sản phẩm cá tra nhìn chung được coi là mặt hàng thứ cấp, giá rẻ, phù hợp cho người thu nhập thấp. “Chính vì vậy trong khi dư địa phát triển còn rất nhiều mà chúng ta cắt giảm sản lượng với mong muốn kéo giá tăng là rất khó; ngược lại có thể đối mặt với nguy cơ đánh mất thị trường vào tay các sản phẩm khác”, TS Thông cảnh báo.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cafatex ở Hậu Giang, quan ngại: Từ năm 2003, giá cá tra là 4 USD/kg, chúng ta cứ tăng sản lượng nuôi và xuất khẩu hiện nay chỉ còn 2 USD/kg. Doanh nghiệp không sống được bằng sản phẩm cá mà sống nhờ chế biến phụ phẩm. Nếu chúng ta không thể giảm sản lượng để tăng giá thì cũng không nên tăng sản lượng vì nếu càng tăng giá sẽ càng giảm.
TS Thông chia sẻ: "Đây chỉ là kết quả nghiên cứu của cá nhân ông về việc có ý kiến cho rằng giảm cung để tăng giá bán sản phẩm cá tra của chúng ta là không có cơ sở. Ở đây tôi không khuyến cáo chúng ta nên tăng lượng cung hay khuyến cáo chính sách".
Trong phần nghiên cứu thị trường thực hiện tại Pháp đối với sản phẩm cá tra, cho thấy: Ở phân khúc thị trường thứ 4 là những người có thu nhập thấp, trình độ giáo dục thấp (rất nhạy cảm về giá) sản phẩm cá tra bán chạy nhất với 9,8% trong toàn bộ phân khúc. Đáng chú ý là phân khúc này chỉ chiếm 11,9% toàn thị phần. Trong khi các phân khúc trên sản phẩm cá tra chỉ chiếm từ 5,6 - 6% thị phần trong phân khúc.
“Điều này cho thấy rằng hình ảnh sản phẩm cá tra của VN trong mắt của phần lớn người tiêu dùng không tốt. Sự nỗ lực xây dựng thương hiệu của từng doanh nghiệp ít khả năng mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì người tiêu dùng nước ngoài người ta chỉ biết ví dụ cá hồi Chile, cá tra VN chứ người ta không quan tâm đến thương hiệu doanh nghiệp. Chính vì vậy các doanh nghiệp phải cùng nhau xây dựng chung một thương hiệu cá tra VN”, TS Thông nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình cho rằng chỉ khi lên kết lại với nhau, định vị và làm “đẹp” hình ảnh cá tra VN, đưa nó lên những phân khúc cao hơn, xây dựng chuỗi giá trị rồi mới có thể nghĩ đến chuyện tăng sản lượng xuất khẩu.
“Nhiều nước họ có khả năng phát triển mặt hàng cá tra này nhưng họ không làm vì hiện nay giá của mình đã quá rẻ rồi, không thể rẻ hơn được nữa, chính vì vậy nếu tăng sản lượng sẽ càng chết”, ông Kịch nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.