Ca trù Thăng Long mất chỗ diễn

06/10/2009 23:08 GMT+7

Chỉ vài ngày sau khi ca trù được UNESCO ghi tên vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long đã mất chỗ biểu diễn!

Trong giới ca trù Hà thành, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long (trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) là cái tên không mới. Câu lạc bộ đã hoạt động được hơn 3 năm; định hình được bản sắc, phong cách; lôi kéo được sự chú ý của không ít mạnh thường quân, trong đó có cả Quỹ Ford (Mỹ). Ngay trong bộ hồ sơ ca trù người Việt trình UNESCO lựa chọn vào danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, cái tên Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cũng góp mặt với tư cách nhóm bảo tồn, gìn giữ.

Hơn 2 năm nay, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long cùng các nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Phú Đẹ... có địa điểm biểu diễn thường xuyên (theo lối hát cửa đình) vào tối thứ sáu hằng tuần và tối thứ bảy đầu tiên của tháng tại đình Cống Vị (ngõ 518, phố Đội Cấn, Hà Nội). Thế nhưng, ngày 4.10 vừa qua, tại đây, câu lạc bộ này đã đột ngột bị lập biên bản và đình chỉ sinh hoạt. Lý do Ban quản lý đình và UBND phường Cống Vị đưa ra là: trước đêm diễn ngày 4.10, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long phải có đơn xin phép biểu diễn, gửi kèm nội dung tiết mục chương trình để trình duyệt. Thế nhưng, câu lạc bộ này đã không thể đáp ứng.

 Có rất nhiều chương trình hành động khác nhau để bảo tồn, gìn giữ ca trù, nhưng có lẽ chỉ sau khi UNESCO có lễ công bố chính thức tại Việt Nam thì chương trình hành động quốc gia mới được pháp chế hóa, và phải tiến hành dần từng bước, phải có các cuộc họp xác định  các hướng đi xem phần nào trước, phần nào sau, rồi phải có văn bản hướng dẫn, chứ hiện nay thì chưa….

PGS Đặng Hoành Loan, nguyên Viện phó Viện m nhạc Việt Nam

Tuy nhiên, đào nương Phạm Thị Huệ (giảng viên Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam) - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, cho biết từ hơn 2 năm trước, chị Huệ đã có đơn xin phép biểu diễn. “Khi ấy, Ban quản lý đình Cống Vị đã đồng ý và bảo rằng họ sẽ báo cáo lên UBND phường. Thế rồi, hơn 2 năm nay, các cụ trong Ban quản lý vẫn cho chúng tôi biểu diễn đều đặn, thậm chí còn cho mượn thảm, mượn chiếu. Vậy mà bây giờ, đột nhiên các cụ bảo muốn biểu diễn thì chúng tôi phải báo cáo nội dung chương trình với các cụ, rồi phải đến làm việc với UBND phường Cống Vị. Các cụ còn giải thích là trong đình có nhiều cổ vật quý hiếm, việc biểu diễn của chúng tôi sẽ gây khó cho công tác an ninh. Hơn nữa, với buổi diễn có từ 20 người (diễn và xem) trở lên, nhất là có khách nước ngoài, thì phải có giấy phép biểu diễn, và chương trình phải được duyệt trước”.

Đáng chú ý, các buổi biểu diễn của đào nương Phạm Thị Huệ và nhóm Ca trù Thăng Long đều miễn phí cho những người yêu cổ nhạc. Chị Huệ còn tự bỏ tiền túi và vay mượn bạn bè, người thân để có kinh phí duy trì hoạt động của câu lạc bộ. Đình Cống Vị cũng đã lên báo chí, lên truyền hình rất nhiều lần như một địa chỉ sinh hoạt văn hóa.

Có cần giấy phép biểu diễn?

Ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết theo quy chế, các buổi sinh hoạt nghệ thuật truyền thống của các câu lạc bộ, không bán vé thu tiền thì không phải xin giấy phép biểu diễn trước mỗi lần công diễn, mà chỉ cần có một lịch diễn, nội dung chương trình, và người tham gia biểu diễn cố định. Ngoài ra, nếu diễn trên địa bàn nào thì phải báo cáo với chính quyền ở địa bàn đó trước khi biểu diễn. Nhưng trong trường hợp cũng vẫn địa điểm đó ở những lần biểu diễn tiếp sau thì không phải báo cáo. Hơn nữa, với những chương trình loại này, cơ quan chức năng ở địa phương không cần phải duyệt trước.

Thế nhưng, khi đã không được sự đồng ý của địa phương thì Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long có lẽ sẽ phải tìm một địa điểm khác. Chỉ có điều, “trong lúc chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, lại không có chỗ diễn thì khó mà hoạt động được”, đào nương Phạm Thị Huệ nói.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.