Sáng 22.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội họp với lãnh đạo các bệnh viện (BV) trên địa bàn về đảm bảo phòng, chống dịch.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn TP có 111 BV, trong đó có 41 BV công lập, 39 BV ngoài công lập, 31 BV T.Ư và 3.587 phòng khám tư nhân. Việc bảo vệ các BV khỏi dịch Covid-19 được xem là cốt yếu. TP đã kiểm tra 46/80 BV trực thuộc; kết quả có 36/46 BV an toàn, 7/46 BV an toàn ở mức thấp. Có 3/46 BV không an toàn, đều không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly, gồm BV Mắt Sài Gòn - Hà Nội (77 phố Nguyễn Du), BV Mắt Việt Nhật (122 phố Triệu Việt Vương) và BV Mắt Hitec (55 phố Hàm Long).
Tạm dừng khám chữa bệnh 3 BV không an toànBV Mắt Sài Gòn - Hà Nội và BV Mắt Hitec đã được Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tạm dừng khám chữa bệnh 7 ngày kể từ ngày kiểm tra để khắc phục. BV Mắt Việt Nhật cũng tạm dừng khám chữa bệnh, khi mở cửa trở lại sẽ báo cáo Sở Y tế.
|
Vấn đề xét nghiệm Covid-19 là một trong những nội dung được tập trung nêu ra tại cuộc họp. Phó giám đốc BV 108 Lê Hữu Sang cho rằng, VN nên có sơ kết hơn 1.000 ca bệnh hiện nay xem tỷ lệ lây từ F0 sang F1, từ F1 sang F2 là bao nhiêu để biết mức độ lây lan, rút ra hướng dẫn cụ thể... “Mỗi ngày chúng tôi có 4.000 - 5.000 bệnh nhân, làm sao sàng lọc hết được. Chúng tôi biết rằng, chúng tôi đang đi trên dây vì bệnh nhân có thể khai báo không thật, không có triệu chứng, họ không biết họ là F0”.
Nhiều lãnh đạo BV cũng kêu khó về xét nghiệm Covid-19, bởi trong khi Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu mở rộng chỉ định xét nghiệm nhưng “mức giá thanh toán bảo hiểm hiện tại để đấu thầu hóa chất chắc chắn sẽ lỗ”.
Theo đó, bảo hiểm thanh toán chi phí 1 xét nghiệm mức 700.000 đồng, trong khi thực tế phải tốn đến 2 triệu đồng vì còn rất nhiều chi phí liên quan như đồ bảo hộ, công lấy mẫu…, nên “đây là thực tế cần mổ xẻ ngay, nếu không thì các BV không thể chịu nổi”.
Chia sẻ lo lắng này của các BV, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết giá xét nghiệm là rất quan trọng. “Hôm trước, BV E cũng kiến nghị, bởi BV không có nơi xét nghiệm, phải gửi đến nơi khác, mà chỉ có 1 mẫu cũng không thể xét nghiệm được ngay, phải đợi 2 - 3 ngày để máy chạy 1 lô mẫu, mà đợi là phải kéo dài thời gian cách ly… Hiện nay, chúng ta lại chưa có xét nghiệm dịch vụ, xét nghiệm bằng ngân sách hết, rất khó khăn”, ông Quý nói.
Tại cuộc họp, một số ý kiến đề nghị cho phép xét nghiệm dịch vụ vì trên thực tế rất nhiều người dân có tiếp xúc với yếu tố dịch tễ, họ có ý thức phòng bệnh và muốn sàng lọc, nhưng lại chưa đủ điều kiện để chỉ định xét nghiệm. “Chúng tôi hiểu đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, theo quy định thì không được thu tiền, nếu có thay đổi phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội vì liên quan đến luật. Tuy nhiên, chúng tôi mong cơ quan có thẩm quyền có ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, vì hiện nay chúng ta đang kêu gọi tài trợ của doanh nghiệp để chống dịch, các cá nhân muốn xét nghiệm dịch vụ thì cũng là đóng góp tự nguyện của người ta, cũng nên được xem xét”, TS Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc BV Thu Cúc, đề nghị.
Bình luận (0)