Các bộ, ngành quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá

20/12/2010 20:04 GMT+7

Cùng với các địa phương, các bộ, ngành cũng đang phối hợp biện pháp quyết liệt bình ổn giá cuối năm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

Không tăng giá các mặt hàng thiết yếu thuộc diện quản lý giá

Để thực hiện bình ổn giá trong dịp cuối năm 2010 và quý I/2011, Bộ Tài chính cho biết sẽ chỉ đạo giữ ổn định một số giá hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế, như giá điện, giá than, giá nước sạch, cước vận tải hành khách bằng xe buýt trong đô thị, bằng đường hàng không; giá vé vận tải hành khách bằng ghế ngồi cứng trên phương tiện đường sắt; đồng thời sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu ở mức phù hợp.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay hệ thống bán lẻ được mở rộng và nguồn dự trữ các mặt hàng thiết yếu trong kho đã được chuẩn bị chu đáo cho đợt cao điểm mua sắm cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Bộ cũng ấn định một chủ trương nhất quán cho các doanh nghiệp là không tăng giá xăng dầu bán lẻ ít nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể sử dụng biện pháp cao nhất là rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn. Cùng với xăng dầu, mặt hàng sữa (diện quản lý giá) cũng được bình ổn hết năm 2010.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng khẳng định, mặt hàng gạo sẽ khó tăng giá đột biến bởi nhiều tỉnh đang thu hoạch vụ mùa chuẩn bị thu hoạch vụ đông, bên cạnh đó, lượng gạo dự trữ cũng được các doanh nghiệp thực hiện đúng kế hoạch.

Mặt hàng thịt khá dồi dào và tăng 5,5% so với cùng kỳ 2009 với sản lượng gần 4,1 triệu tấn thịt hơi các loại. Lượng đường cũng sẽ đảm bảo đủ cung cho dịp Tết khi lượng dự trữ đã đạt 39.000 tấn (cao hơn 10% so với năm trước).

Bộ Tài chính cũng đã sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng khí dầu mỏ và các loại khí hydrocarbon. Theo đó, ngay từ ngày 17/12, mặt hàng này được giảm thuế nhập khẩu xuống còn 2%. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định đây là động thái nhằm giảm sức ép đối với mặt hàng gas đang tăng đột biến về nhu cầu dịp cuối năm.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ra công điện khẩn gửi các chi cục QLTT tăng cường quản lý việc dự trữ hàng hóa, chống việc đầu cơ tăng giá, đẩy giá lên cao bất hợp lý.

Việc đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng phải đăng ký giá, gồm: xi măng, thép xây dựng, gas, than, phân bón hóa học, đường ăn, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi… và những mặt hàng phải kê khai giá gồm: thuốc phòng chữa bệnh cho người, cước vận tải ô tô, dịch vụ tại cảng hàng không… sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Trong trường hợp thị trường biến động bất thường, Bộ Tài chính sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Tăng cường kiểm tra và can thiệp kịp thời

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng nhằm hạn chế tăng giá. Phía cơ quan chức năng cũng đã tổ chức phối hợp thanh, kiểm tra trên diện rộng nhằm loại bỏ hiện tượng đầu cơ, tích trữ, găm hàng làm lũng đoạn thị trường.

Theo các chuyên gia, thị trường sẽ không có biến động lớn nếu như các biện pháp được phối hợp thực hiện chặt chẽ.

Trao đổi với báo giới sáng 17/12, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho biết từ ngày 1/1/2011 trong báo cáo thường kỳ (ngày, tuần, tháng) của các Sở Tài chính sẽ phải bổ sung nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đồng thời có đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương.

Ba đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình thực hiện Thông tư 104 và 122 về quản lý và đăng ký giá của doanh nghiệp tại miền Trung, miền Nam và 16 doanh nghiệp.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, có 4/16 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giá là Cty cổ phần Đường Khánh Hoà; Cty TNHH Mía đường Nghệ An Tate&Lyle; Cty cổ phần Mía đường Lam Sơn; Cty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh.

Tại một số tỉnh miền Trung, các hộ kinh doanh đều chấp hành quy định, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá quá mức mà chủ yếu chỉ khan hiếm rau, thực phẩm.

Theo đại diện Cục Quản lý giá, qua kiểm tra về giá, các tỉnh đã xử phạt nhiều vụ vi phạm: Tỉnh Lâm Đồng 13 vụ vi phạm, phạt 420 triệu đồng, TP Hồ Chí Minh xử lý 279 vụ với số tiền phạt 1,2 tỷ đồng; Tiền Giang 4 vụ với hơn 26 triệu đồng liên quan đến các doanh nghiệp sữa, thuốc, vật liệu xây dựng.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.