Từ ngày 1.2 đến hết tháng 2, ĐH Quốc gia TP.HCM mở cổng để thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 tại địa chỉ: https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/. Thí sinh thực hiện đăng ký theo hình thức trực tuyến, gồm các khâu: đăng ký thông tin, đăng ký địa điểm thi và thanh toán.
Trong đó, các bước đăng ký tạo tài khoản cụ thể như sau:
- Bước 1: Truy cập trang https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/
- Bước 2: Đăng ký tài khoản dự thi bằng cách nhấn nút "đăng ký ngay", nhập các thông tin cá nhân (số CMND/CCCD, địa chỉ email và mật khẩu) rồi bấm nút "đăng ký".
- Bước 3: Kích hoạt tài khoản đăng ký dự thi bằng email.
- Bước 4: Đăng nhập vào tài khoản cá nhân trên trang thông tin điện tử của kỳ thi, nhập số CMND/CCCD và mật khẩu đã đăng ký rồi đăng nhập.
- Bước 5: Đăng ký các thông tin cá nhân, thông tin liên lạc, thông tin ưu tiên. Sau đó, nhấn nút "quay về trang đăng ký" để thực hiện các bước tiếp theo.
- Bước 1: Nhấn nút "tạo hồ sơ" để bắt đầu đăng ký mới địa điểm thi.
- Bước 2: Nhấn nút "đăng ký" ở phía dưới mã hồ sơ (gồm 9 ký tự) để chọn địa điểm thi.
- Bước 3: Lựa chọn và xác nhận địa điểm thi rồi nhấn nút "xác nhận".
Trong trường hợp muốn thay đổi địa điểm thi trong thời gian mở cổng đăng ký, thí sinh nhấn nút "sửa hồ sơ" rồi chọn địa điểm thi mới sau đó nhấn nút "xác nhận".
Để thanh toán lệ phí, thí sinh thực hiện theo 5 bước sau:
- Bước 1: Nhấn nút "thanh toán"
- Bước 2: Nhấn nút "nhấn chọn phương thức"
- Bước 3: Lựa chọn 1 trong số các phương thức thanh toán lệ phí.
- Bước 4: Kiểm tra thông tin thanh toán và nhấn nút "xác nhận"
- Bước 5: Thực hiện thanh toán theo hình thức thanh toán đã chọn.
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ diễn ra đợt 1 vào ngày 26.3. Đợt thi này được tổ chức tại 21 tỉnh/thành phố bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Thuận, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu.
Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400; phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có 122.696 lượt đăng ký dự thi (gấp 20 lần so với năm 2018). Năm 2022, ngoài 10 đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, còn có 76 trường ĐH và CĐ ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh. Năm 2023, dự kiến sẽ có thêm nhiều trường đăng ký sử dụng kết quả thi này.
Bình luận (0)