Từ ngày 9 đến 18.8, thí sinh và phụ huynh đến liên hệ làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (Q.Thủ Đức) sẽ có xe điện đưa đón từ cổng trường hoặc từ trạm xe buýt đến giảng đường. Chị Phạm Thị Cẩm Vân, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khẳng định với chúng tôi như thế. Theo chị Cẩm Vân, hoạt động bắt đầu từ 7 giờ đến 16 giờ 30 mỗi ngày và sẽ kéo dài đến ngày 18.8.
Vừa bước xuống trạm xe buýt ở gần cổng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, 3 bạn nữ (quê huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) gồm: Nguyễn Thị Hạnh Nhung, Mai Thị Ngọc My, Nguyễn Thị Mỹ Chi đã được Nguyễn Thị Thanh Hiền (sinh viên năm 3, Khoa Chăn nuôi thú y của trường) hướng dẫn lên xe điện do anh Lê Quang Trí, Phó bí thư Đoàn trường, kiêm luôn nhiệm vụ cầm vô lăng chở thí sinh đến thẳng giảng đường để nộp giấy xác nhận nhập học.
Thí sinh rất thích khi được trải nghiệm đi xe điện tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - Ảnh: Lê Thanh
|
Hạnh Nhung cho biết: “3 đứa tụi em bắt chuyến xe buýt từ huyện Gò Dầu lên đây và dự định sẽ đón xe ôm vào trường vì khoảng cách từ trạm xe buýt đến giảng đường cũng hơi xa. Dự định là thế nhưng không ngờ vừa bước xuống trạm xe buýt đã được các anh chị sinh viên tình nguyện hướng dẫn lên xe điện chở miễn phí đến giảng đường luôn. Vừa đi vừa ngắm cảnh xung quanh thích thật”.
Tương tự, hai cha con anh Giảng Văn Phú (50 tuổi) và Giảng Ngọc Ái Mi, ngụ tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) cũng không giấu được niềm vui.
Anh Phú nói: “Vừa xuống xe đã có các cháu sinh viên chở đến giảng đường. Tưởng được đi một vòng vô thôi, ai dè khi hai cha con đăng ký, đang đi bộ trở ra thì có một cháu sinh viên đến nói chú và em cứ ngồi đó ngồi đó đợi vài phút sẽ có xe đưa ra cổng. Các cháu sinh viên tình nguyện ở trường này thật chu đáo làm tui ấn tượng thiệt luôn”.
Đội sinh viên tình nguyện Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM hướng dẫn thí sinh đến làm thủ tục nhập học - Ảnh: Lê Thanh
|
Nói về ý tưởng để làm việc này, anh Lê Quang Trí, Phó bí thư Đoàn trường, người kiêm nhiệm vụ cầm vô lăng xe điện, chia sẻ: “Khuôn viên của trường rất rộng. Nếu tính từ cổng trường hoặc trạm xe buýt đến giảng đường làm thủ tục nhập học cũng khoảng 700 m. Với cự ly như thế, sinh viên và phụ huynh đi bộ hơi xa. Nhận thấy được điều đó, Đoàn trường đã xin Ban giám hiệu bố trí cho một chiếc xe điện thuộc Đội xe của trường để đưa đón thí sinh và phụ huynh những ngày làm thủ tục. Tôi và một bạn thuộc văn phòng Đoàn trường thay phiên nhau cầm lái đưa đón thí sinh và phụ huynh đến ngày 18.8”.
Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (cơ sở ở Q.Thủ Đức), chúng tôi cũng thấy một nhóm sinh viên tình nguyện túc trực ngay cổng để hỗ trợ, hướng dẫn phụ huynh và thí sinh một cách tận tình.
Hoạt động trên nằm trong chương trình Hỗ trợ tân sinh viên tự tin đến trường, do Ban Cán sự Đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện, nhằm giúp đỡ tân sinh viên trong việc làm thủ tục vào ở ký túc xá và nhập học, cách di chuyển trên các tuyến xe buýt, học tập, vui chơi, giải trí; giới thiệu về môi trường sống, những quán ăn giá rẻ…
Huỳnh Thị Mộng Hồ (sinh viên năm 3, Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Phụ huynh và tân sinh viên lần đầu đến đây sẽ khó khăn trong việc đi lại nếu không có người chỉ dẫn, vì địa bàn của khu vực Làng đại học rất rộng. Chính vì vậy, nhóm sinh viên tình nguyện như tụi mình đứng ra làm việc đó để giúp đỡ tân sinh viên”.
|
Theo Mộng Hồ, nơi nhóm sinh viên đang trực là khu vực có nhiều thí sinh và phụ huynh qua lại nhất, vì sát trạm xe buýt và giao giữa nhiều tuyến đường với các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Khi phụ huynh và thí sinh vừa xuống trạm xe buýt, nhóm sinh viên tình nguyện sẽ tiếp cận hướng dẫn vào trường làm thủ tục nhập học. Khi làm thủ tục nhập học xong, tụi mình hướng dẫn thí sinh vào lại trạm xe buýt đón chuyến xe số 53 hoặc 33 để qua Khu B của Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM làm thủ tục ở nội trú. Còn trường hợp phụ huynh và thí sinh đi bằng xe máy thì sẽ có một bạn sinh viên tình nguyện chạy xe máy dẫn đường cho phụ huynh và thí sinh đến tận Khu B của ký túc xá này. Vì từ trường đến KTX cũng khoảng 3 km, nếu thí sinh và phụ huynh không được hướng dẫn một cách tận tình thì họ sẽ gặp khó khăn, đi tới đi lui rất mất thời gian”, Mộng Hồ nói.
Bình luận (0)