Các chuyên gia quốc tế chia sẻ về ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu tại Bình Định

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
21/10/2022 13:44 GMT+7

Hơn 30 giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia có uy tín trên thế giới trình bày các công trình nghiên cứu mới nhất về ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu tại một hội nghị y khoa diễn ra tại Bình Định .

Sáng 21.10, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Hội nghị Truyền máu - ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu Việt Pháp (VFO-BMT) lần 6 năm 2022 do Liên chi hội Truyền máu huyết học TP.HCM và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (ở TP.HCM) tổ chức, đã khai mạc với sự tham dự của hơn 500 đại biểu bao gồm các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đầu ngành và khách mời khác đến từ các bệnh viện trên toàn quốc...

Ông Yves Bertrand (Pháp) trình bày tại hội nghị về vấn đề điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em

hoàng trọng

Các chuyên gia quốc tế tham dự hội nghị

hoàng trọng

Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có hơn 30 báo cáo viên là giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về ghép tế bào gốc có uy tín tại Việt Nam và các nước như: Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Canada...

Đặc biệt, giáo sư Yoshihisa Kodera, nguyên Chủ tịch Hội ghép tủy và máu thế giới (WBMT); ông Okamoto Shinichiro, Chủ tịch Hội ghép tủy và máu châu Á - Thái Bình Dương (APBMT); ông Akihiro Shimosaka, Chủ tịch Hội liệu pháp điều trị ghép tế bào gốc Châu Á (ACTO)... cũng tham dự hội nghị này.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị

hoàng trọng

Các chuyên gia chủ trì phiên thảo luận toàn thể tại hội nghị

hoàng trọng

Theo Ban tổ chức, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp cho bệnh nhân bị bệnh máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc xuất hiện sớm, nhất là trong lĩnh vực huyết học. Từ năm 1995, dưới sự chủ trì của PGS. Trần Văn Bé, tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc tủy xương đầu tiên tại Việt Nam. Từ kết quả này đã đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động ghép tế bào gốc trên phạm vi cả nước như hiện nay.

Đến nay, trên toàn quốc đã có 9 trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu. Số lượng các ca bệnh được tiến hành ghép tại các trung tâm không ngừng được tăng lên, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay. Riêng Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã thực hiện hơn 500 ca ghép tế bào gốc tạo máu.

Các đại biểu trò chuyện bên lề hội nghị

hoàng trọng

TS.BSCK 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, phát biểu tại hội nghị

hoàng trọng

Theo TS.BSCK 2 Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, hội nghị sẽ mang đến các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực: Ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh lý huyết học, bệnh lý ung thư; Điều trị các biến chứng ghép, nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm siêu vi, phản ứng mảnh ghép...; Cuộc sống của người bệnh sau ghép; Xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm kỹ thuật cao trong ghép tế bào gốc; Truyền máu, truyền máu trong ghép tế bào gốc tạo máu; Ngân hàng máu; Ngân hàng Tế bào gốc, ngân hàng tế bào gốc trung mô…

GS Dominique Bron (Đại học Libre de Bruxelles, Bỉ) có bài trình bày về chất lượng cuộc sống sau dị ghép tế bào gốc

hoàng trọng

Hội nghị Truyền máu - ghép tủy xương và tế bào gốc tạo máu Việt Pháp lần 6 sẽ bế mạc vào ngày 22.10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.