Các CLB V-League kinh doanh vẫn bị lỗ

21/06/2022 08:23 GMT+7

Rất ít CLB chuyên nghiệp tại VN có lãi trong kinh doanh , thậm chí có đội còn lỗ nặng. Học tập mô hình nước ngoài, hoặc chủ động xây dựng chiến lược phát triển là cách làm của một số đội bóng nhằm cải thiện tình trạng này.

Nguồn thu bằng 1 CLB K-league cách đây… 20 năm

Theo thống kê từ Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), từ năm 2019 đến nay, khoản thu trung bình mỗi năm của một CLB tại V-League vào khoảng 1,9 - 2,7 triệu USD. Gồm 7 khoản, trong đó khoản thu nhiều nhất là từ các nhà tài trợ (chiếm khoảng gần một nửa khoản tổng thu nói trên). Nhiều thứ 2 là khoản thu từ địa phương, khoảng 370.000 USD/năm. Ngoài ra, còn có khoản thu từ bán vé khoảng 27.000 USD/CLB/năm; phí chuyển nhượng khoảng 53.000 - 70.000 USD; khoản thu từ hỗ trợ của VFF, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) khoảng 45.000 USD; bán hàng vật phẩm khoảng 140.000 USD. Khoản thu khác cũng nằm trong 7 khoản thu nói trên, khoảng 200.000 - 300.000 USD/năm.

HAGL đang nỗ lực sống được bằng bóng đá dù biết là rất khó

Độc Lập

Trong khi đó, khoản chi có 9 đầu mục khác nhau, với tổng chi trung bình mỗi năm của 1 CLB V-League vào khoảng gần 2,7 - 3 triệu USD. Trong đó chi lương - thưởng cho cầu thủ chiếm khoảng 2/3 tổng chi nói trên. Ngoài ra, chi trả lương cho HLV khoảng 250.000 USD; trả lương cho nhân viên văn phòng: 140.000 USD; chi phí hành chính khoảng hơn 200.000 USD; chuyển nhượng cầu thủ khoảng 87.000 - 100.000 USD; chi phí quảng cáo khoảng hơn 30.000 USD; thuê/sửa chữa sân khoảng 30.000 USD và các khoản chi khác. Như vậy, nếu tính trung bình, mỗi CLB sẽ lỗ ít nhất khoảng hơn 751.000 USD/năm. Tất nhiên, nếu tính cụ thể, vẫn có ít CLB có lãi nhưng số tiền lãi không nhiều.

So sánh là khập khiễng nhưng nếu đặt toàn bộ những con số trên đây với những thống kê tài chính từ một số nền bóng đá tiên tiến của châu lục, sẽ thấy sự chênh lệch không hề nhẹ. Hiện tại, mỗi năm, giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc (K-League) thu về 120 - 150 triệu USD. Mỗi CLB K-League thu được khoảng 20 triệu USD/năm. Cách đây khoảng gần 20 năm, khoản thu mỗi CLB Hàn Quốc vào khoảng gần 2 triệu USD/năm - ngang bằng khoản thu mỗi CLB V-League hiện tại.

Còn ở Nhật Bản, tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh thương hiệu bóng đá Nhật Bản đạt khoảng 200 triệu USD/năm.

Trông người lại ngẫm đến ta

Ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên Tổng thư ký VFF, nguyên Tổng giám đốc VPF, cho biết: “Cách đây khoảng 30 năm, K-League và các CLB chuyên nghiệp tại Hàn Quốc cũng từng luôn lâm vào tình trạng thiếu hụt tài chính do áp dụng mô hình kinh doanh dựa vào 4 khoản chính: khán giả, trợ cấp, tài trợ, ngân sách địa phương, dẫn tới sự phát triển của bóng đá Hàn Quốc bị kìm hãm. Nhưng sau khi được trao toàn bộ quyền khai thác thương mại cho một công ty, K-League và các CLB đã dần được đảm bảo nguồn tài chính để hoạt động.

5 CLB có doanh thu lớn nhất VN

Đội Becamex Bình Dương năm 2016 thu được 74,6 tỉ đồng, đến năm 2019 thu được 89 tỉ đồng và theo con số chưa chính thức, năm 2020, 2021, thu được khoảng trên 100 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến năm 2021, đội SLNA khoản thu tăng dần từ 48,8 tỉ đồng lên gần 90 tỉ đồng; đội Hà Nội từ 33,2 tỉ đồng tăng lên thành 63 tỉ đồng; đội Đà Nẵng từ 48,9 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng. Đội HAGL năm 2019 thu được 30,7 tỉ đồng và năm 2020, 2021 tăng lên gần 40 tỉ đồng.

Bóng đá Hàn Quốc đã tạo ra thị trường lao động mở, chuyển nhượng các cầu thủ quốc tế có chất lượng vào thi đấu tại K-League, đưa các cầu thủ giỏi ra nước ngoài. Thị trường sản phẩm giải đấu mở rộng toàn cầu và mỗi CLB lại có chiến dịch tiếp thị, quảng cáo có trọng tâm khi thực sự coi bóng đá là ngành công nghiệp thứ 4. Khi các CLB kiếm được nhiều tiền, đã tác động tích cực đến sự tiến bộ vượt bậc của cả nền bóng đá”.

Tại VN, có nhiều CLB cũng đang nỗ lực chuyển đổi từng phần hoặc cải tổ mô hình hoạt động kinh doanh, biến bóng đá thực sự trở thành một lực lượng kinh tế đặc biệt. Ông Nguyễn Tấn Anh, Giám đốc điều hành CLB HAGL, chia sẻ: “HAGL đang tiếp tục xây dựng thương hiệu CLB thông qua 5 tiêu chí quan trọng. Trong đó, tiêu chí về thành tích cụ thể là từ nay đến năm 2026, HAGL phấn đấu đoạt 1 danh hiệu vô địch quốc gia, 1 danh hiệu vô địch Cúp quốc gia, thi đấu thành công tại AFC Champions League. Tiếp tục công tác tuyển sinh đầu vào Học viện HAGL với yêu cầu khắt khe hơn; cơ sở vật chất học viên ngày càng được nâng cấp, khu giải trí đáp ứng đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao trong công tác huấn luyện và còn là một điểm đến tham quan của khán giả cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển doanh thu của CLB cũng như ngành du lịch tỉnh nhà”.

Ông Nguyễn Hải Biên, Phó giám đốc Trung tâm thể thao Viettel, nhấn mạnh: “Chiến lược thương hiệu Viettel tuân thủ theo tầm nhìn của tập đoàn: Sáng tạo vì con người. Chúng tôi đặt ra sứ mệnh của thương hiệu “Chinh phục người hâm mộ”, với giá trị cốt lõi là tiên phong - truyền cảm hứng - quan tâm - sáng tạo. Viettel FC sẽ phấn đấu lọt vào tốp 2 CLB được yêu thích nhất tại VN, là đơn vị chuyển đổi số hàng đầu tại VN ở 5 lĩnh vực. Viettel sẽ tạo dựng sức mạnh mới trên các nền tảng mới TikTok, Instagram, Twitter; cộng hưởng sức mạnh, xây dựng các cộng đồng nhỏ yêu Viettel, cộng đồng yêu Viettel FC, tập đoàn, sinh viên, các CLB bóng đá phủi. Tăng mức độ trải nghiệm của khán giả, thông qua ứng dụng mua vé, áo đấu, đồ lưu niệm…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.