Các 'đại thụ' làm show

23/12/2016 06:36 GMT+7

Bên cạnh những chương trình của các nghệ sĩ, nhạc sĩ đương đại, nhiều nhạc sĩ “đại thụ” của làng nhạc Việt tổ chức đêm nhạc của riêng mình.

Tháng 8 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Cường làm đêm nhạc riêng đầu tiên khi đã bước sang tuổi 73. Trong cuối tháng 12 này, nhạc sĩ Phó Đức Phương ở tuổi 72 cũng lần đầu tiên thực hiện đêm nhạc riêng. Đêm nhạc mừng nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh nhật 88 tuổi sẽ diễn ra vào tháng 1.2017.
Sống mãi với thời gian
Nhà báo Lại Văn Sâm đã xin phép nhạc sĩ Phạm Tuyên để được dẫn trong đêm nhạc của ông. “Ông là người nhạc sĩ tử tế, đôn hậu và rất yêu nước. Tôi muốn tỏ lòng kính trọng và kính phục với người nhạc sĩ ấy”, Lại Văn Sâm chia sẻ. Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã gắn liền với thời tuổi trẻ của anh cũng như đi vào đời sống của khán giả biết bao thế hệ. “Âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên giống như một cuốn sử mà nhiều người có thể lật giở lại những trang sử của cuộc đời mình trong đó”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ. Anh cảm thấy mình nhỏ bé trước “di sản âm nhạc” lên tới hơn 700 ca khúc của người nhạc sĩ đã đi qua hai cuộc kháng chiến và tiếp tục sáng tác khi đất nước đã hòa bình. Cũng như nhiều nhạc sĩ cùng thế hệ, ông sáng tác chủ yếu về đề tài cách mạng, về Đảng, Bác Hồ, xây dựng đất nước…, và rất thành công với mảng đề tài này với những ca khúc như Đảng đã cho ta mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Màu cờ tôi yêu, Hà Nội Điện Biên Phủ, Như có Bác trong ngày đại thắng.
Những năm tháng chống Mỹ ác liệt nhất, ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã vang lên khắp các con đường hành quân. Nhạc sĩ vẫn nhớ, mùa hè năm 1967, ông cùng các văn nghệ sĩ như Văn Cao, Hoàng Vân, Chế Lan Viên về Hòa Xá, H.Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Khoảng 4 giờ sáng, ông nghe thấy tiếng những bước chân chạy rầm rập của dân quân tự vệ, họ đeo trên lưng hàng chục cân gạch đá vừa đi vừa chạy. Đó là cách những người thanh niên này rèn luyện sức khỏe để đủ sức vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Ông chủ tịch xã còn kể cho nhạc sĩ nghe về “tập tục” ở đây: khi thanh niên tòng quân sẽ được tặng một chiếc gậy có tên gậy Trường Sơn. Những điều mắt thấy tai nghe đã mang lại cảm hứng để nhạc sĩ Phạm Tuyên viết nên ca khúc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương Ảnh: NVCC
Không chỉ thế, Phạm Tuyên cũng sáng tác cả tình ca. Theo lời kể của vợ ông PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết trong cuốn hồi ký Chúng tôi đã sống như thế, Phạm Tuyên viết ca khúc Gửi nắng cho em (phổ thơ Bùi Văn Dung) ngay khi Sài Gòn giải phóng. Nhưng vì nhiều sự hiểm lầm mà ca khúc từng bị cấm trong gần chục năm. Đến năm 1986, ca khúc được hát trở lại trong buổi phát vào đúng giao thừa trên sóng truyền hình TP.HCM với giọng hát Ngọc Tân. Nói đến Phạm Tuyên không thể không nhắc đến mảng đề tài thiếu nhi với hơn 200 ca khúc. Ông hiện giữ “kỷ lục” là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương là thế hệ tiếp sau nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhưng đi theo dòng nhạc, mảng đề tài khác. Ông là một trong những người mở đầu cho dòng nhạc mang nhiều âm hưởng dân tộc, và sau này được gọi là dân gian đương đại. “Âm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương riêng biệt và cá biệt. Nó không chỉ có những cội rễ chắc chắn và rất sâu từ âm nhạc dân gian, chắt lọc từ tuồng, chèo, ca trù, xẩm hay cảm thức về âm nhạc tâm linh đậm màu Á Đông”, nhạc sĩ Đỗ Bảo nhìn nhận. Nhạc sĩ Phó Đức Phương tự nhận rằng thời vàng son trong âm nhạc của ông đã đi qua từ cách đây vài thập niên. Đó là thời điểm ông sáng tác sung sức nhất, nhiều ca khúc nổi tiếng: Chảy đi sông ơi, Con sông tuổi thơ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Những cô gái quan họ, Trên đỉnh Phù Vân… Dẫu vậy, những sáng tác của ông vẫn luôn “sống” trong đời sống âm nhạc đương đại.
Không chỉ là đêm biểu diễn
Sau 50 năm bước vào con đường nghệ thuật, nhạc sĩ Phó Đức Phương mới thực hiện một đêm nhạc riêng. Hỏi vì sao, ông bảo là do cơ duyên. “Tôi cũng đã chần chừ nhiều lần cũng vì tự khó tính với bản thân mình quá. Nhưng nghĩ lại thời gian không chờ đợi ai bao giờ. Năm nay là cơ duyên để tôi thực hiện đêm nhạc. Tôi làm như thể rút gan rút ruột mình ra”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói. Live show của nhạc sĩ được đầu tư kinh phí lên tới tiền tỉ. Ngân hàng, công ty truyền thông, nhà thiết kế... đã hỗ trợ, đầu tư cho đêm nhạc của nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói ông nhẩm tính có khoảng 13 đêm nhạc được “người ta tổ chức cho” ở nhiều tỉnh, thành, còn đây là lần đầu tiên gia đình đứng ra tổ chức cho ông. Đây không chỉ là đêm nhạc mừng tuổi ông mà cũng bắt nguồn từ mong mỏi của người nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn đau đáu về việc có quá ít những sáng tác ca khúc mới cho thiếu nhi hiện nay. “Tôi mong lắm có những nhạc sĩ sẽ đi tiếp con đường mà tôi đã đi, chứ giờ chẳng có mấy ai chịu viết ca khúc cho trẻ con nữa. Thế thì nguy hiểm lắm!”, nhạc sĩ Phạm Tuyên tâm sự. Con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến cho biết, để thực hiện đêm nhạc với kinh phí lớn như vậy, nhiều nơi, nhiều người…đã hỗ trợ, giống như “nhà nấu cỗ mỗi người góp một chút”.
Đêm nhạc Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương, diễn ra vào tối 29.12 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) có sự tham gia của những gương mặt ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Tấn Minh, Tùng Dương, Bằng Kiều, Thu Phương, Thanh Thanh Hiền... Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, con gái anh - An Trần cũng góp mặt. Cũng tại Trung tâm hội nghị quốc gia, đêm nhạc Nhớ và quên của nhạc sĩ Phạm Tuyên, diễn ra vào tối 14.1.2017 có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ vang bóng một thời: NSND Trung Kiên, NSND Trần Hiếu, NSND Thanh Hoa, những giọng ca: Thanh Lam, Tùng Dương, Trọng Tấn, Nhật Minh (quán quân Giọng hát Việt nhí 2016), Jayden Trịnh (top 4 Thần tượng âm nhạc nhí 2016)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.