Các địa phương khẩn trương đối phó bão số 1

31/03/2012 11:40 GMT+7

* Khánh Hòa: Nhiều ngư dân còn chủ quan về bão * Phú Quý đã di dời hơn 800 người ra khỏi vùng nguy hiểm * Ninh Thuận: Bố trí lực lượng tại nơi xung yếu (TNO) Vào lúc 9 giờ sáng 31.3, trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã có mưa, mỗi lúc một to hơn. Đến trưa cùng ngày, gió trên đảo đã giật cấp 7, có lúc cấp 8.

(TNO) Vào lúc 9 giờ sáng 31.3, trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã có mưa, mỗi lúc một to hơn. Đến trưa cùng ngày, gió trên đảo đã giật cấp 7, có lúc cấp 8. 

Tin từ Ban Phòng chống lụt bão (PCLB) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Bình Thuận cho biết, sáng 31.3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,9 độ vĩ Bắc và 110,0 độ kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 120 km về phía đông - đông nam.

Một đồng nghiệp của phóng viên Thanh Niên Online đang có mặt tại đảo Phú Quý cho biết, sáng 31.3, đã có khoảng 600 tàu thuyền được bà con kéo hẳn lên bờ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của bà con trên đảo trong sáng hôm nay là không còn chỗ chứa tàu thuyền vì các bãi cát trên bờ đã kín chỗ.


Xem video clip

 

 
Mưa lớn đã xuất hiện trên đảo Phú Quý - Ảnh: Đảo Thọ


Ngư dân đang cố gắng đưa những chiếc tàu cuối cùng lên bờ - Ảnh: Đảo Thọ

Theo kế hoạch, sáng 31.3, máy bay trực thăng của Quân khu 7 sẽ đưa đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận do Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc ra đảo cùng lãnh đạo ngành công an, quân sự và bộ đội biên phòng.

Tuy nhiên, ngay từ sáng sớm đã xuất hiện mây đen, có giông nhỏ nên kế hoạch bay đã không thể thực hiện được.

Theo Ban PCLB tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có hơn 30.000 dân trong vùng nguy hiểm. Tùy theo tình hình mà chiều hoặc đêm nay, các huyện sẽ phải bố trí sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão.

Sáng nay, tất cả các cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã được phân công đều xuống các huyện thị, thành phố để trực bão, trừ huyện đảo Phú Quý không ra được. 

Đảo Phú Quý đã di dời hơn 800 người ra khỏi vùng nguy hiểm

Đồng nghiệp của phóng viên Thanh Niên Online vừa điện thoại từ đảo Phú Quý (Bình Thuận) cho biết, Ban PCLB và TKCN của huyện này đã hoàn thành việc di dời 175 hộ dân với 875 người đến các địa điểm an toàn là trường học và doanh trại quân đội.

Cụ thể, ở xã Long Hải đã di dời đến nơi an toàn 110 hộ/543 người, xã Tam Thanh là 37 hộ/186 người và xã Ngũ Phụng là 28 hộ/128 người.

Hiện trên đảo đang có mưa rất to và giông mạnh. Tuy nhiên, trước khi bão ập đến thì đã có 2.100 căn nhà của dân và nhiều trường học được giằng néo.

Tuy nhiên, trên đảo hiện có 108 cơ sở nuôi thủy sản đang có rất nhiều thủy sản sắp thu hoạch. Mặc dù đã có một số di chuyển cá vào bờ trên đảo nhưng nhiều người lo ngại nếu đêm nay mưa to kèm theo giông lớn, có sóng biển dâng cao đến 5 mét thì thiệt hại là khó có thể tránh khỏi.

Quế Hà

* Ninh Thuận: Ngày 31.3, ông Trần Xuân Hòa - Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban PCLB tỉnh Ninh Thuận - cho biết, tỉnh đã chỉ đạo tất cả địa phương nhanh chóng bố trí lực lượng canh giữ những nơi xung yếu mà cơn bão số 1 có thể ảnh hưởng.

Theo đó, tỉnh đã cử các lực lượng như công an, quân đội, dân phòng, lực lượng xung kích ở các huyện, xã phải túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng mọi phương tiện cần thiết để ứng phó với những trường hợp xảy ra khi bão vào.


Các tàu cá đang vào cảng Cà Ná neo đậu tránh bão - Ảnh: Lê Xuân

Cũng theo ông Hòa, hiện các lực lượng đã có mặt tại các điểm như hồ chứa nước, cảng cá, kè chắn sóng tại TP.Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Ninh Hải… nhằm chốt chặn các điểm xung yếu.

Hiện có 46 tàu thuyền với 358 ngư dân vẫn đang hoạt động đánh bắt khu vực gần bờ, các lực lượng chức năng đang kêu gọi các tàu thuyền này nhanh chóng vào bờ trú ẩn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, sở đã hoãn chương trình ra quân đánh bắt vụ cá nam tại cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam), đồng thời yêu cầu các tàu thuyền không được ra khơi, phải neo đậu an toàn để tránh bão.

* Bạc Liêu: Chiều 31.3, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 vào rạng sáng 31.3, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có mưa rất to kèm theo gió lốc xoáy mạnh đã làm sập và tốc mái 127 căn nhà, 2.880 ha muối bị tan thành nước (ước thiệt hại khoảng 23.497 tấn), 2.500 ha lúa bị sập hoàn toàn, 2 ha hoa màu bị ngập úng, 2 trụ điện bị ngã… Ước tổng thiệt hại trên 19 tỉ đồng.

Đại diện chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể thống kê mức độ thiệt hại, đồng thời giúp bà con khắc phục, sửa chữa các căn nhà bị sập và tốc mái.

Đồng thời, chính quyền cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho người dân để sớm ổn định cuộc sống, tái tạo sản xuất.

Nhiều ngư dân còn chủ quan về cơn bão số 1

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phát công điện khẩn gửi các đơn vị và ngành chức năng trong tỉnh yêu cầu sẵn sàng phương tiện, vật chất, con người để ứng phó cơn bão số 1.

Đến trưa 31.3, đã có hàng ngàn tàu cá, tàu du lịch, vận tải vào các cảng Nha Trang, Hòn Rớ, Vĩnh Lương (TP.Nha Trang) để trú ẩn, tránh bão số 1.

Ông Lương Huy Vũ (60 tuổi, ngư dân ở TP.Nha Trang) có tàu cá đang neo đậu ở cảng cá Hòn Rớ cho biết: “Sau khi nhận được thông báo tránh bão số 1, tàu chúng tôi đang khai thác ở khu vực cách bờ 100 hải lý, liền tức tốc chạy vào bờ để tránh bão”.


Tàu cá neo đậu tránh bão tại bến cá Hòn Rớ, TP.Nha Trang - Ảnh: Thiện Nhân

Theo ông Vũ, sau hơn 40 năm hành nghề, lần đầu tiên bão xuất hiện sớm trong năm như vậy, nên nhiều chủ tàu vẫn chủ quan bám biển, không chịu vào bờ.

Sáng nay, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã có 9.734 tàu/10.000 tàu biển các loại đã vào các cảng neo đậu để tránh bão số 1.

Hiện còn 266 tàu cá (với 2.455 ngư dân) đang khai thác ở khu vực biển Trường Sa, Ninh Thuận, Bình Thuận… được Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa liên lạc, hướng dẫn các tàu di chuyển tới các khu vực an toàn.

Thiện Nhân

Quế Hà - Lê Xuân - Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.