(TNO) Người dân di cư, tình trạng đô thị hóa ồ ạt, phá rừng, biến đổi khí hậu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt tại các đô thị châu Á thêm trầm trọng mỗi năm.
Chiều 15.9.2015, cơn mưa kéo dài hơn 3 giờ khiến nhiều nơi ở TP.HCM chìm trong biển nước, giao thông tê liệt. Có nơi nước dâng cao gần cả mét - Ảnh: Hoài Nhơn |
“Lũ lụt là thảm họa thiên nhiên phổ biến nhất ở châu Á”, trang tin Sciencemag (Mỹ) dẫn lời ông Abhas Jha, chuyên gia về xử lý thảm họa của Ngân hàng Thế giới.
Tất nhiên, lũ lụt xảy ra khắp nơi trên thế giới, nhưng các con số thống kê cho thấy những quốc gia đang phát triển ở châu Á phải gánh chịu hậu quả lũ lụt nhiều nhất: 7 trong số những trận lũ lụt nghiêm trọng nhất lịch sử thế giới trong 30 năm qua xảy ra ở châu Á, với khoảng 80% dân số Bangladesh và 70% dân số Việt Nam gánh chịu lũ lụt hằng năm.
Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lũ lụt ở châu Á là dòng người di cư từ vùng sâu, vùng xa đến những thành phố ở gần bờ biển và dọc các con sông, nạn phá rừng, mở rộng đô thị ồ ạt và cơ sở hạ tầng cấp thoát nước không theo kịp đà đô thị hoá,… theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới.
Một con đường tại thành phố Sán Đầu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) biến thành sông trong trận lũ hồi năm 2013 - Ảnh: AFP
|
Chẳng hạn ở Thái Lan, việc mở rộng ồ ạt thủ đô Bangkok trong những năm gần đây đã làm ảnh hưởng đến việc tháo nước lũ hằng năm. Những con kênh, hệ thống cống đưa nước mưa ra sông, biển đã quá tải khi hàng loạt khu công nghiệp và chung cư ồ ạt mọc lên.
Bên cạnh đó, ông Jha cho biết việc phá rừng ở miền bắc Thái Lan cũng là một trong những nguyên nhân gây ra vụ ngập lụt nghiêm trọng năm 2011 đã nhận chìm thủ đô Bangkok trong biển nước.
Bangkok: Xây tường ngăn lũ… vẫn ngập
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lũ lụt và không một giải pháp nào có thể gọi là tối ưu để ngăn chặn lũ lụt. “Mỗi đợt lũ lụt là khác nhau”, ông Jha nói.
Ngày 7 - 8.6.2015, mưa lớn dẫn đến hàng loạt con đường bị ngập ở thủ đô Bangkok, Thái Lan khiến giao thông hỗn loạn, hàng loạt xe cộ chết máy trên đường. Trong buổi sáng 8.6, mực nước ngập lên đến 50 cm sau khi đợt mưa lớn kéo dài 5 giờ liền vào rạng sáng cùng ngày. Nhiều công ty, trường học và đại học đã phải đóng cửa, theo tờ Bangkok Post (Thái Lan).
Một khu chợ của Bangkok chìm trong biển nước trong trận lũ lụt lịch sử hồi năm 2011 - Ảnh: Reuters
|
Những bức tường ngăn lũ được xây dựng mới và gia cố (những cái đã có sẵn) tại thủ đô Bangkok sau trận lũ lụt nghiêm trọng ở miền trung Thái Lan hồi năm 2011, khiến gần 800 người chết và thiệt hại lên đến 45 tỉ USD, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới.
Nhiều địa phương ngoài Bangkok cũng tiến hành xây dựng các tường ngăn lũ, có chỗ cao đến 6 m, nhưng hiệu quả dài hạn của biện pháp này đang gây nhiều tranh cãi.
“Tường ngăn lũ có thể bảo vệ các địa phương trong ngắn hạn, còn về dài hạn, chúng tôi không thể biết chắc điều gì sẽ xảy ra. Nơi nào cũng xây tường ngăn lũ. Như vậy nước lũ sẽ chảy về đâu?”, tiến sĩ Seri Suphratid, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thảm họa và Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Rangsit (Thái Lan) cho biết, theo đài BBC (Anh).
Bức tường ngăn lũ ở phía bắc thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters
|
Bình luận (0)