Hơn một tuần nay, đội tuyển điền kinh VN bắt đầu tập từ 5 giờ và kết thúc vào 7 giờ sáng nhưng nắng đã gay gắt, không khí tại sân Trung tâm huấn luyện thể thao Hà Nội (gọi tắt là Nhổn) nóng hầm hập như đổ lửa. HLV Vũ Ngọc Lợi của đội tuyển điền kinh kêu lên: “Khiếp quá, có lẽ phải mười mấy năm rồi tôi mới thấy thời tiết cay nghiệt như thế này. Giáo án phải điều chỉnh lại hết để đối phó… ông trời. Tôi yêu cầu VĐV phải dậy thật sớm, tranh thủ ăn nhẹ rồi ra sân ngay. Nhưng cơ thể lúc ấy chưa thích ứng được, mắt vẫn còn ngái ngủ thì khó tập tốt như mong muốn. Tôi buộc phải giảm cường độ cũng như khối lượng vận động vì sợ VĐV mệt mỏi, rất dễ dẫn đến chấn thương”.
Nhà vô địch SEA Games nội dung 400 m rào nữ Nguyễn Thị Huyền thoa một lớp kem chống nắng lên khuôn mặt xinh đẹp rồi nói: “Bôi kem cũng chỉ như liệu pháp tâm lý thôi chứ chị nhìn em này, da đen thùi lùi. Lúc chạy cũng không thể đội mũ vì bay ngay. Cũng không thể đeo khẩu trang vì rất vướng víu. Thời tiết quá khó chịu, nhiệt độ có lẽ phải hơn 40 độ. Chạy vài vòng là người ngất ngây như kiểu bị sốc nhiệt. Cơ thể mất nhiều nước nên uể oải, xuống sức nhanh. Đi giày thể thao mà vẫn có cảm giác bị đặt chân trần xuống nền đất được đun nóng. Anh Nguyễn Văn Lai tập cự ly dài càng kinh khủng, chỉ muốn xỉu vì quá nóng”.
Những môn tập trong nhà như thể dục dụng cụ, bắn súng, bóng chuyền cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết khắc nghiệt. Phòng tập của Nhổn lại không có điều hòa nên không khác gì lò nung. Đội tuyển cầu mây nữ tập rất sớm mà sau hơn một giờ đồng hồ, quần áo ướt sũng vì mồ hôi. HLV Hoàng Thị Thái Xuân bảo: “Không dám bật quạt vì càng bị thốc hơi nóng vào người. Các VĐV cắn răng tập rồi uống nước nhiều gấp vài lần ngày bình thường”. HLV Trương Minh Sang của đội tuyển thể dục dụng cụ kể: “Các thanh xà đơn làm bằng sắt, dù được đặt trong nhà nhưng cũng nóng bỏng cả tay, nếu để tập ban ngày, tay VĐV sẽ bị rộp lên ngay nên tôi phải cho họ chuyển sang tập tối cho nguội bớt”.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Nhổn, cho hay: “Để đối phó với thời tiết, chúng tôi đã chỉ đạo các đội tuyển phải cho tập sớm, điều chỉnh lượng vận động để không bị quá tải. Các khu hồi phục, tắm và massage bằng thủy lực cũng hoạt động hết công suất giúp VĐV chống chọi cơn nóng. Thực đơn cũng phong phú hơn, tăng cường trái cây, sữa, kem, chè… Nhà ăn, phòng ở VĐV có điều hòa còn đỡ chứ phòng tập thì khổ quá, chúng tôi kêu suốt mấy năm nay mà ngành vẫn chưa lo được nên nhìn các VĐV như tắm trong lúc tập rất thương, dù Nhổn cũng đã có thiết bị chống nóng và xung quanh có khá nhiều cây xanh”.
Không chỉ Nhổn, các đội trẻ đang tập ở Đại học TDTT Bắc Ninh cũng không được tập trong phòng có điều hòa. Đội bóng bàn trẻ quốc gia được nhà trường trang bị cho hai quạt công nghiệp cỡ lớn. Cách đây vài hôm, phòng ở VĐV bị hỏng điều hòa vào ban đêm, ban huấn luyện nhắn tin cho hiệu trưởng Nguyễn Đại Dương và ông Dương tức tốc 5 giờ sáng vào trường, yêu cầu thợ sửa ngay.
Các VĐV khuyết tật đang tập ở Trung tâm thể thao Khúc Hạo (Hà Nội) còn khổ sở hơn nhiều. HLV Trần Thanh Hoàng của môn bóng bàn nói: “Do trời quá nóng tôi phải cho đội tập sớm nên nhiều VĐV phải bắt xe buýt ra khỏi nhà từ lúc 5 giờ rưỡi sáng. Nhiều VĐV đã lớn tuổi nên sức khỏe ảnh hưởng lắm. Cũng may đài báo, thời tiết sẽ dịu lại vào mấy hôm nữa. Chứ cứ kéo dài thế này thì kinh khủng quá”.
Bình luận (0)