Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 2: Ông Chảng ngang thiên

08/06/2013 00:50 GMT+7

Thời Tây Sơn, tộc Đinh ở TX.An Nhơn (Bình Định) nổi tiếng giàu có và giỏi võ nghệ.

Thời Tây Sơn, tộc Đinh ở TX.An Nhơn (Bình Định) nổi tiếng giàu có và giỏi võ nghệ.  

>> Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 1: Tuyệt kỹ Ngọc trản thần công

Trong đó nhiều người vẫn hay nhắc đến câu thành ngữ "ngang như ông Chảng" hoặc "ông Chảng ngang thiên" và nhiều giai thoại về nhân vật này.  

Cha nuôi anh em nhà Tây Sơn

Từ bài văn tế của họ Đào ở TX.An Nhơn, tên thật của ông Chảng được xác định là Đinh Viết Nhưng (có sách nói là Đinh Văn Nhưng), công thần của nhà Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn mất, ông Nhưng đổi từ họ Đinh sang họ Đào để tránh sự truy sát của triều Nguyễn. Ngày nay, 2 nhánh con cháu của ông Chảng sống ở khu vực Bằng Châu (thuộc P.Đập Đá, TX.An Nhơn) và thôn Thanh Liêm (thuộc xã Nhơn An, TX.An Nhơn) vẫn giữ tục “Sinh Đào tử Đinh”.

 Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 2: Ông Chảng ngang thiên
Ông Chảng về làng (Tranh minh họa tại Bảo tàng Quang Trung)

Theo Địa chí Bình Định, ông tổ họ Đinh ở Bằng Châu tên Đinh Viết Hòe, đi lính cho chúa Nguyễn, lấy vợ ở đây và sinh ra 3 người con là Đinh Văn Diệm, Đinh Văn Nhưng và Đinh Thị Triêm. Lúc nhỏ, nhà nghèo, ông Nhưng phải có cuộc sống tự lập, tính ngang bướng, không chịu luồn cúi ai nhưng lại giỏi võ nghệ. Nhờ có tầm nhìn xa nên ông đã tổ chức khai hoang tại các vùng Thanh Liêm, Kim Tài và trở thành người giàu có, trong nhà có nhiều người giúp việc. Ông Nhưng còn là một võ sư, một quân sư có tiếng trong vùng.

Trong sách Võ nhân Bình Định, hai tác giả Quách Tấn, Quách Giao có miêu tả về họ Đinh tại thôn Bằng Châu: “Thôn Bằng Châu được tổ chức thành một thôn biệt lập. Người trong thôn phần nhiều có liên hệ thân thuộc với nhau. Không một gia đình xa lạ nào có thể vào mua ruộng đất lập nghiệp tại thôn này. Những kẻ tha phương tầm thực ghé đến xin việc làm đều được họ Đinh vui lòng thâu nhận. Thôn Bằng Châu nổi tiếng là khu an toàn nhất trong vùng. Nhờ tổ chức an ninh giỏi, nhất là hầu hết các tráng đinh trong thôn đều biết võ nghệ nên vùng đất này luôn an toàn”.

 

“Tài liệu cổ của tộc Đào là sách bí kíp võ thuật bằng chữ Hán do thầy của tôi là ông Bảy Lụt truyền lại. Tôi không biết đọc chữ Hán nên đã cung cấp cho Liên đoàn Võ thuật để họ nghiên cứu, tìm cách khôi phục lại dòng võ này”, võ sư Phan Thọ nói.

Ông Đào Duy Thu (67 tuổi, ở khu vực Bằng Châu), cháu đời thứ 9 của họ Đào, kể: Nghe tiếng ông Nhưng, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đến xin học võ. Ông Nhưng nhận họ làm con nuôi và dốc lòng dạy dỗ. Lúc nhà Tây Sơn khởi nghĩa, ông Nhưng ủng hộ rất nhiều ngựa và lương thực. Khi Nguyễn Nhạc xưng vương tại thành Hoàng Đế đã phong cho ông Nhưng chức Điện tiền đại đô đốc tả thân vệ úy, tước Sanh Sơn bá.

Tuy nhiên, ông Nhưng nói lại rằng: "Ông làm vua là làm vua với thiên hạ, chứ với tôi, ông vẫn là con cháu. Con cháu mà ban chức tước cho cha ông thì hơi nghịch, chi bằng để tôi phê rồi ông lục thì hơn...". Nhà vua đồng ý, ông Nhưng cầm bút viết 4 câu chữ Nôm, được phiên âm: "Bùng binh chi tướng/Uýnh cướng chi quan/Bộn bàng chi chức/Chảng chảng ngang thiên" (Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch dịch nghĩa 4 câu này như sau: Tướng lớn/Quan to khiến người được phong mừng quýnh lên/Chức nhiều/Chảng ngang hàng với trời).

Mỗi lần vào thăm vua Thái Đức, ông Chảng thường ngồi trên một cái ghế thang có bốn người khiêng, hai bên có vài chục người cầm cào cỏ, cuốc, thuổng... thay cho cờ biển và hai cây du du (dụng cụ che nắng của nông dân làm đồng ngày xưa) dùng làm lọng. Phía sau, phía trước lại có hai đoàn người thổi kèn, đánh trống bằng miệng tưng bừng nhộn nhịp, mọi người kéo ra xem rất đông, vui như hội. Nguyễn Nhạc cũng rất kính trọng ông nên không bắt bẻ gì.

Nhân vật lịch sử bị lãng quên ?

Từ đường chính của ông Đinh Viết Nhưng ngày xưa không còn nữa, nay chỉ còn bàn thờ tại nhà ông Đào Văn Hùng (ở thôn Thanh Liêm). Di vật của từ đường cũ chỉ còn lại hai tấm liễn bằng chữ Hán viết trên ván gỗ nhưng đã bị mờ, rất khó đọc. Hằng năm, nhánh họ Đào ở Thanh Liêm vẫn tổ chức kỵ cơm ông Nhưng vào ngày 27 tháng giêng. Cụ Đào An (87 tuổi, ở thôn Thanh Liêm) cho biết: “Khi ông Nhưng qua đời, con cháu phải lập đến 6 hay 7 ngôi mộ giả vì sợ bị khai quật nên ngày nay tộc họ cũng không biết chính xác mộ ông ở đâu”.

Theo cuốn gia phả họ Đào do ông Đào Văn Hỷ (đời thứ 9) biên soạn, ông Nhưng còn xuống tận vùng Đa Tài, Kim Ngọc (nay là thôn Kim Tài, xã Nhơn Phong, TX.An Nhơn) lập trại khai hoang, lấy vợ thứ và sinh con cái ở đó. Từ đường thờ ông Nhưng ở Kim Tài bị cháy từ năm 1968 do chiến tranh. Con cháu kể lại rằng từ đường này ngày xưa đặt 6 dụng cụ tượng trưng cho công việc khai hoang, gồm: cào cỏ, mỏ gãy, du du, cuốc, xẻng, chìa ba. “Ông Chảng là nhân vật lịch sử có tiếng tăm thời Tây Sơn, có công khai phá nhiều vùng đất ở TX.An Nhơn, nhưng đến nay vẫn chỉ là truyền miệng dân gian và có nguy cơ bị lãng quên. Mong chính quyền, ngành văn hóa quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu để có kết luận chính xác nhằm tôn vinh công lao của ông, giáo dục con cháu đời sau noi gương”, cụ Đào An nói.

Theo ông Đào Duy Thu, con cháu dòng họ Đào ở các thôn Thanh Liêm, Kim Tài, Bằng Châu ngày nay không còn ai giỏi võ nghệ, các tài liệu võ của dòng họ đã bị tiêu hủy sau khi phong trào Tây Sơn thất bại. Tài liệu võ duy nhất còn lại của họ Đào là một tập tư liệu cổ do võ sư Phan Thọ (ở xã Bình Nghi, H.Tây Sơn, Bình Định) cung cấp, trong đó có ký tên Đào Thống. “Hiện truyền nhân duy nhất của dòng họ Đào biết nhiều võ nghệ là ông Đào Xích (ở Bằng Châu, đời thứ 8) nay đã trên 80 tuổi. Những năm trước, hầu hết các con cháu họ Đào ở Bằng Châu đều đến nhà ông Xích học võ. Từ khi ông Xích nghỉ dạy võ thì trong tộc chẳng còn võ đường nào”, ông Đào Duy Thu cho hay.

Hoàng Trọng

>> Cờ người võ thuật - nét đẹp dần mai một
>> Vovinam tạo ấn tượng tại Liên hoan Võ thuật thế giới
>> Võ cổ truyền VN gia nhập Hiệp hội Võ thuật thế giới
>> Việt Nam tham dự Festival Võ thuật thế giới
>> 74 đoàn tham dự Liên hoan Võ thuật quốc tế Hồng Bàng 2012 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.