TNO

Các hãng bay Mỹ 'tố' hãng bay vùng Vịnh được chính phủ trợ cấp

09/03/2015 17:22 GMT+7

(Tin Nóng) Cuối tuần qua, ba hãng hàng không lớn nhất Mỹ - American Airlines, United Airlines và Delta Airlines - đã tung ra tài liệu tố cáo ba hãng hàng không lớn nhất vùng Vịnh đã phát triển thần tốc tại Mỹ nhờ -hưởng những khoản trợ cấp lớn từ chính phủ nước họ.

(Tin Nóng) Cuối tuần qua, khi các ngành du lịch, hàng không quốc tế về Berlin tham gia sự kiện thường niên ITB 2015 thì ba hãng hàng không lớn nhất Mỹ - American Airlines, United Airlines và Delta Airlines - đã tung ra tài liệu tố cáo ba hãng hàng không lớn nhất vùng Vịnh đã phát triển thần tốc tại Mỹ nhờ được hưởng những khoản trợ cấp lớn từ chính phủ nước họ.


Các hãng bay Mỹ cho rằng ba hãng bay vùng Vịnh "ép sân" họ tại Mỹ là nhờ có nhận các khoản trợ cấp của chính phủ vùng Vịnh - Ảnh: Sunday Times

Có hỗ trợ tài chính hay không ?

Theo tập tài liệu dày 55 trang mà Bộ ba hàng không Mỹ (USB3) vừa công bố hồi cuối tuần qua, đưa ra dẫn chứng chi tiết cho thấy từ năm 2004, ba hãng hàng không lớn nhất vùng Vịnh – gồm Emirates Airline, Qatar Airways và Etihad Airway - đã nhận được từ chính phủ của họ khoản hỗ trợ tài chính lên đến hơn 42 tỉ USD. “Những trợ cấp này là rất hiển nhiên và là rất lớn”, ông David Ross, một luật sư thương mại ở Washington D.C đại diện cho các hãng không Mỹ nhận định.

Các hãng bay Mỹ nói rằng những đối thủ Vùng Vịnh mỗi năm thua lỗ hàng tỉ đôla mà không buộc phải sinh lợi vì luôn có hỗ trợ tài chính từ chính phủ của họ. “Chúng tôi đâu chỉ cạnh tranh với các hãng bay mà phải cạnh tranh với các chính phủ của các hãng ấy”, là nhận xét của Mark Anderson, một phó chủ tịch cấp cao ở hãng United Airlines.

Các hãng hàng không Mỹ muốn chính quyền Obama bắt đầu bàn thảo về những điều kiện liên quan đến cạnh tranh lành mạnh thuộc các hiệp ước mở cửa bầu trời đã ký với các chính phủ Vùng Vịnh. Tính đến nay Mỹ đã ký thỏa thuận Bầu trời mở với trên 110 nước với mục đích chính là giải phóng lữ hành hàng không, góp phần phát triển du lịch, thương mại.

Luật sư Ross nói rằng các hãng hàng không Mỹ nhận thức rõ về lợi ích của Bầu trời mở và ủng hộ sự hình thành của những thỏa hiệp ở khắp thế giới. Nhưng ba hãng bay Mỹ muốn bộ ba vùng Vịnh ngừng mở thêm nhiều đường bay đến Mỹ.

Theo những gì các hãng hàng không Mỹ đã thu thập được thì tính đến năm 2013, hãng Etihad Airways đã nhận được từ chính quyền Abu Dhabi gần 1 tỉ USD, gồm các lần bơm thanh khoản và các khoản cho vay không không tính lãi. Cũng đến thời điểm ấy thì hãng này đã lỗ gần 4 tỉ USD. Luật sư Ross cho biết Qatar Airways nhận được gần 7,8 tỉ USD là tiền cho vay không tính lãi từ chính quyền Doha, ngoài ra đã tránh không phải trả số tiền lãi lên đến gần 7 tỉ USD từ các khoản vay có bảo lãnh từ chính phủ. Còn Emirates Airline đã có thể chuyển khoản lỗ 2,4 tỉ USD từ việc đầu tư mua trước nhiên liệu sang cho chính phủ Dubai chịu hộ.

Lâu nay bộ ba vùng Vịnh luôn khẳng định không nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ của mình, rằng họ thành công vì đã đưa ra những giải pháp mới, đầu tư mua nhiều máy bay mới, mở đường bay đến những điểm mới mà lâu nay bị các hãng bay truyền thống bỏ quên.

Chủ tịch Emirates Airline, Tim Clark cho biết ông sẽ sớm bay đến Washington D.C gặp quan chức Bộ Giao thông Vận tải Mỹ để giải tỏa những cáo buộc “vô lý” từ các đối thủ Mỹ. Một ê-kíp gồm chuyên gia từ các ban pháp lý, chiến lược và tài chính của hãng sẽ tháp tùng ông trong hành trình này.

Đừng than vãn mà hãy nỗ lực cạnh tranh

Đó là thông điệp mà ông Danny Sebright, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Các Tiều vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) gửi đến các gã khổng lồ hàng không Mỹ. Theo tổ chức này, Mỹ hiện có nơi UAE một đối tác thương mại rất tốt với thặng dư mậu dịch nghiêng về phần Mỹ là 19 tỉ USD. Riêng ở khoản sản phẩm hàng không của Mỹ, năm 2013, các hãng thuộc UAE đã đặt mua số máy bay Mỹ tổng trị giá trên 130 tỉ USD. Mỗi năm, đơn hàng của UAE giúp nền công nghiệp hàng không, du lịch, thương mại Mỹ thu lợi trên 16 tỉ USD, nộp thuế 1,6 tỉ USD và giúp trên 100.000 người Mỹ có việc làm ổn định.

“Trong 15 năm qua, các hãng hàng không thuộc UAE là những khách hàng quốc tế lớn nhất của máy bay thương mại và động cơ sản xuất tại Mỹ với trên 400 chiếc đã được giao. Và với 252 chuyến bay non-stop mỗi tuần đến Mỹ, các hãng hàng không thuộc Vùng Vịnh còn mang đến hàng triệu du khách mỗi năm cho các sân bay, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, siêu thị. Và các hãng này cũng giúp các hãng hàng không Mỹ có nhiều hành khách trên các chuyến bay trong và ngoài nước Mỹ”, ông Sebright cho biết.


Máy bay A380 của Emirates tại sân bay JFK, New York. Các hãng bay vùng Vịnh nói rằng nhờ có họ mà nước Mỹ có thêm hàng triệu du khách, tạo hàng trăm ngàn công ăn việc làm - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, cũng theo ông Sebright, trước khi cáo buộc bộ ba vùng Vịnh nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ của họ thì ba hãng bay Mỹ cần xem xét kỹ sổ sách kế toán tài chính của mình. Từ năm 2006, ba gã khổng lồ hàng không Mỹ đã chuyển sang cho két sắt của Chính quyền liên bang Mỹ phải gánh chịu thay hàng tỉ đôla tiền lương hưu. Trước khi sáp nhập thành các siêu khổng lồ như hiện nay, các hãng bay Mỹ đã thoát cảnh nợ nần ngân hàng, phải phá sản nhờ có chính quyền liên bang bảo lãnh cho vay.

Không những thế, ba hãng bay Mỹ còn được thoải mái bàn bạc giá vé ở các đường bay xuyên Đại Tây Dương với các đối tác hàng không châu Âu. Và ba hãng này còn được hỗ trợ rất mạnh bởi chính sách Fly America không cho phép các hãng quốc tế được cạnh tranh ở thị trường bay nội địa Mỹ. 

Cuộc chiến sẽ lan rộng ?

Theo giới phân tích chuyên ngành, cuộc chiến giữa Bộ ba gã khổng lồ hàng không Mỹ và ba hãng bay vùng Vịnh có thể sẽ lan rộng với sự tham gia của nhiều “tay súng” lớn khác, gồm cả nhà sản xuất máy bay Boeing, hãng vận chuyển FedEx Express và hãng bay giá vé rẻ JetBlue Airways của thị trường Mỹ.

Boeing thì cần có những khách hàng lớn, vì Emirates Airline không chỉ là khách hàng lớn nhất của dòng máy bay thân rộng 777 của Boeing và A380 của Airbus mà còn là một đối tác quan trọng của JetBlue Airways (vừa bán vé máy bay vừa trao đổi khách với Emirates). Phần FedEx Express, hãng bay vận tải lớn nhất của Mỹ, thì rất cần các thỏa hiệp Bầu trời mở để hoạt động toàn cầu được dễ dàng, sinh lợi.

Trong những năm qua, bộ ba vùng Vịnh đã giỏi khai thác ưu thế vị trí địa lý biến Dubai, Doha và Abu Dhabi thành ba trục hàng không lớn, thuận tiện cho du hành hàng không toàn cầu. Trong hành trình bay khắp thế giới, ba hãng bay vùng vịnh này đã chiếm thị phần của các hãng lớn nhất tại châu Âu như Air France-KLM, Lufthansa; khiến nhiều hãng bay thuộc châu Á bị suy yếu, giảm thị phần như Thai Airways, Singapore Airlines...

Theo các con số của các hãng hàng không Mỹ, Emirates Airline nay là hãng bay lớn nhất thế giới tính về lượng ghế cung ứng cho các chuyến bay quốc tế. Năm ngoái, Qatar Airways vọt lên hạng 10 về lượng ghế bay quốc tế (năm 1998 xếp hạng 90) và Etihad Airways ở hạng 13.

Tính đến đầu tháng 2.2015, Emirates Airline có mạng lưới đường bay đến 142 địa điểm tại 78 quốc gia và lãnh thổ (gồm 8 đường bay đến Mỹ). Etihad Airways bay đến 63 địa điểm ở 42 quốc gia và lãnh thổ (gồm 6 điểm tại Mỹ). Qatar Airways phục vụ 146 điểm đến ở các châu lục (gồm 7 điểm tại Mỹ).

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Hàng không Mỹ bị hàng không Vùng Vịnh ép sân
>> Hàng không Thái suy yếu vì các hãng vé rẻ
>> Cạnh tranh ác liệt, hàng không châu Á nặng cánh bay
>> Hàng không dân dụng Mỹ: Trễ chuyến nhiều, lại lãi to
>> Ba hãng bay Vùng Vịnh tấn công mạnh thị trường Mỹ
>> Tìm hiểu ‘vua’ sáp nhập hãng bay Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.