Theo CNN, năm ngoái, chính sách quản lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng với các hãng bay đối thủ ở Mỹ và biến động chính trị trong khu vực làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của Emirates, Qatar Airways và Etihad.
Các hãng bay vùng Vịnh phát triển nhanh chóng trong một thập niên qua bằng cách tận dụng vị trí địa lý để xây dựng trung tâm trung chuyển kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ. Giờ đây, họ tìm cách phát triển thêm ở châu Á sau khi gặp khó trong việc cung ứng dịch vụ bay xuyên đại dương.
Hãng nghiên cứu CAPA - Trung tâm Hàng không cho biết trong báo cáo mới đây: “Năm 2017 có nhiều sự kiện có thể giúp ích cho sự phát triển chiến lược trong năm 2018. Châu Á - Thái Bình Dương sẽ nhận thêm nhiều lợi ích từ vùng Vịnh hơn so với dự báo”.
tin liên quan
Hàng loạt hãng bay Vùng Vịnh hoãn bay đến Qatar vì khủng hoảng leo thangPhát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Qatar cho biết hãng bay nước này lên kế hoạch mở 10-15 tuyến bay mới trong năm nay. Doha đến Bangkok (Thái Lan) là một trong số này. Bangkok nằm trong danh sách điểm đến mới vì Qatar Airways muốn tiếp tục mở rộng ở Đông Nam Á.
Ngoài ra, hãng bay cũng có các chuyến bay thẳng đến Chiang Mai và Pattaya, trở thành hãng bay vùng Vịnh đầu tiên bay đến Pattaya. Qatar Airways mở tuyến bay đến Penang (Malaysia) từ tháng này.
Hãng hàng không vùng Vịnh này đang vùng dậy sau một năm đặc biệt khó khăn. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm thiết bị điện tử của Mỹ, hãng còn mất 18 điểm đến, 50 chuyến bay mỗi ngày sau khi bị các nước láng giềng như Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao và đường giao thông.
Etihad cũng đang nhắm đến châu Á. Hãng này vừa công bố mở tuyến bay mới trong năm nay, nối Baku với Azerbaijan. Năm 2017, Etihad làm ăn không mấy thuận lợi vì các hãng bay đối tác ở châu Âu như Air Berlin và Alitalia vướng khó khăn tài chính. Như Emirates, hãng cũng phải cắt giảm chuyến bay đến Mỹ sau khi nhu cầu hạ.
Bình luận (0)