Các hãng dầu khí thế giới tăng 'thắt lưng buộc bụng'

04/01/2016 16:00 GMT+7

Giá dầu quanh đáy 11 năm, các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới không những đối mặt với thời gian cắt giảm đầu tư dài nhất trong một thập niên mà còn sẽ phải vay thêm để trả cổ tức cho giới đầu tư.

Giá dầu quanh đáy 11 năm, các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới không những đối mặt với thời gian cắt giảm đầu tư dài nhất trong một thập niên mà còn sẽ phải vay thêm để trả cổ tức cho giới đầu tư.

Ảnh: ReutersẢnh: Reuters
Theo Reuters, giá dầu thô trong khoảng 37 USD/thùng là thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60 USD/thùng mà các hãng năng lượng như Total, Statoil và BP cần để cân bằng sổ sách. Mốc giá dầu hiện nay đã giảm mạnh trong vòng 18 tháng qua. Các công ty dầu quốc tế một lần nữa lại bị buộc phải cắt giảm chi tiêu, bán bớt tài sản, sa thải nhân viên và trì hoãn các dự án. Giá dầu giảm dường như không có dấu hiệu nào cho chuyện phục hồi.
Hai nhà sản xuất Mỹ là Chevron và ConocoPhillips vừa công bố kế hoạch cắt giảm 1/4 ngân sách năm 2016. Royal Dutch Shell cũng công bố giảm chi tiêu thêm 5 tỉ USD nếu kế hoạch thâu tóm hãng BG Group của họ thuận lợi. Đầu tư dầu khí trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm kể từ 2016, xuống còn 522 tỉ USD, tiếp sau đà giảm 22% xuống còn 595 tỉ USD vào năm ngoái, theo hãng tư vấn Na Uy Rystad Energy.
“Đây sẽ là lần đầu tiên chúng ta có hai năm liên tiếp đầu tư giảm đi kể từ đợt giảm giá dầu hồi năm 1986”, Bjoernar Tonhaugen, Phó chủ tịch thị trường dầu khí tại Rystad Energy nói. Các hoạt động vẫn còn đủ sức tồn tại là những hoạt động sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất.
Tuy nhiên, với nợ khu vực và tỷ lệ vốn chủ sở hữu tương đối thấp khoảng 20% hoặc dưới mức này, một số nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu khí cho hay các doanh nghiệp sẽ còn vay mượn nhiều hơn để trang trải các khoản thâm hụt doanh thu, bảo vệ mức thanh toán cổ tức cho giới đầu tư.
Shell đã không cắt giảm cổ tức kể từ năm 1945 và đây là một truyền thống quản lý hiện tại mà hãng này không muốn phá vỡ. Các doanh nghiệp còn lại trong ngành cũng không muốn giảm cổ tức cho cổ đông, trong đó có các quỹ đầu tư và hưu trí lớn nhất thế giới, vì họ lo ngại giới đầu tư sẽ bỏ đi.
Exxon Mobil và Chevron có lợi ích từ tỷ lệ nợ thấp nhất trong số các hãng dầu khí chính, trong khi Statoil và Repsol có gánh nặng nợ cao nhất, theo nhà phân tích Jason Gammel thuộc hãng Jefferies.
Với chỉ một số ít các dự án lớn đã được phê duyệt trong năm 2015, bao gồm dự án phát triển Appomattox của Shell tại vùng Vịnh Mexico và dự án khổng lồ cánh đồng Johan Sverdrup trị giá 29 tỉ USD của Statoil ở Biển Bắc, 2016 cũng có thể là năm ghi nhận ít hơn các quyết định đầu tư lớn trong ngành dầu khí. Trên toàn ngành công nghiệp, chi phí sẽ được cắt giảm bằng cách hạ kích thước của các dự án, đàm phán lại hợp đồng cung cấp và sử dụng công nghệ ít phức tạp hơn.
Sau khi mở rộng nhanh chóng trong nửa đầu thập niên giữa lúc giá dầu trên 100 USD/thùng, các công ty năng lượng giờ đây được cho là sẽ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động đem lại lợi nhuận cao nhất, nhà phân tích cổ phiếu dầu khí Brendan Warn của hãng BMO Capital Markets cho hay.
Đơn cử Shell, hãng vốn đang có kế hoạch hoàn thành thương vụ mua lại công ty BG với giá 54 tỉ USD trong tháng 2, đang có ý định sẽ tập trung vào thị trường khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và sản xuất dầu nước sâu, đặc biệt là tại Brazil. Đây là hai lĩnh vực mà hãng BG đi đầu. Với ưu tiên tương tự, BP đang tăng cường tập trung vào Vịnh Mexico và Ai Cập, nơi họ đồng ý đầu tư 12 tỉ USD để phát triển trong năm qua.
Dù đã có hàng chục ngàn việc làm biến mất trong năm 2015, các công ty trong lĩnh vực dầu khí thế giới vẫn được cho là sẽ cắt giảm thêm việc làm trong bối cảnh đang thu hẹp trọng tâm. Sụt giảm trong đầu tư là tin xấu đối với các doanh nghiệp dịch vụ và công ty thầu vì chuyện làm ăn của họ sẽ giảm sút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.