Tăng hầu hết các tuyến huyết mạch
Ngày 11.5, trên trang Container News thông tin, các hãng vận tải container châu Âu tăng phí trên toàn thế giới. Cụ thể, 3 trong số các hãng vận tải container lớn nhất thế giới đã phát thông báo đến khách hàng về đợt tăng cước phí vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới, mức tăng khoảng 400-800 USD/container. Cụ thể, hãng tàu biển của Đức Hapag-Lloyd thông báo phụ phí Tăng giá chung (General Rate Increase - GRI) trên các tuyến từ Đông Á (trong đó có Việt Nam) đến Mỹ và Canada sẽ tăng từ ngày 15.5 tới. Mức tăng này áp dụng cho tất cả các container hàng khô, hàng lạnh, container bồn… với 960 USD/container 20’ và 1.200 USD/cont. 40’. Ngoài ra, hãng tàu CMA CGM cũng thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng hóa các loại (FAK) mới, có hiệu lực từ giữa tháng 5 trên nhiều tuyến đường từ Somali đến Bắc Âu, Địa Trung Hải, Biển Đen, Ấn Độ và Pakistan… và áp tăng phí hàng khô, hàng vượt khổ (OOG) và hàng đứt gãy từ cảng Beira (Mozambique) đến châu Âu, Địa Trung Hải... từ ngày 23.5 tới. Rồi hãng tàu MSC tăng phụ phí mùa cao điểm mới, áp dụng từ ngày 18.5 với mức tăng 800 USD/container…
Như vậy có thể thấy, các loại phí hãng dự kiến tăng đều nằm trên các tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới. Ngày 11.5, thông tin trên các trang logistics quốc tế cho thấy, giá cước vận chuyển container theo hợp đồng được công bố trên Chỉ số vận tải hàng hóa container ở Trung Quốc (CCFI) vào cuối tuần trước đã ở mức kỷ lục mới với 2.074 điểm. Chỉ số này từng đạt đỉnh 2.072 điểm vào ngày 19.2.2021.
Từ giữa sau tháng 10.2020 đến nay, giá cước vận tải biển tăng nhanh, cao gấp 7-10 lần. Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các hiệp hội ngành nghề, giá cước tuyến Á - Âu tăng kỷ lục, lên đến 10.000 USD/container 40’, trong khi giá bình thường năm trước là từ 1.500 - 1.800 USD/cont. Dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra những làn sóng địa chấn trong thương mại toàn cầu và hàng hóa được vận chuyển bằng tàu container nhiều hơn. Giá cước vận tải tăng đã khiến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, thậm chí một số công ty tuyên bố phá sản hoặc không thể xuất hàng được khi giá cước ăn hết vào giá vốn.
Đánh giá về khủng hoảng hàng hóa thời Covid-19 của Hội đồng vận tải thế giới (Mỹ) mới đây cho rằng, không ai có thể lường trước các mức giá cước đang gây căng thẳng cho mạng lưới vận tải container hiện nay, vì nhu cầu thay đổi không giống như bất kỳ thời kỳ nào trong quá khứ. Trao đổi với Thanh Niên, một số công ty logistics cho biết, chưa nhận được thông tin các hãng tàu sẽ tăng các loại phí tăng giá chung, phí mùa cao điểm… Tuy nhiên, “không sớm thì muộn”, chắc chắn sẽ tăng vì các đại diện hãng tàu luôn thu theo mức công ty mẹ nước ngoài đưa ra.
Lợi nhuận hãng tàu tăng gấp 26 lần
Tăng phí, lợi nhuận của các hãng tàu lại tăng kỷ lục, “xưa nay chưa từng có”.
Báo cáo tài chính của loạt hãng tàu lớn trên thế giới trong quý 1 cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của các hãng tàu này đều tăng khủng. Cụ thể, hết quý 1/2021, hãng tàu Cosco có lợi nhuận tăng 26 lần so cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,71 tỉ USD nhờ sự phục hồi mạnh của ngành vận chuyển container. Doanh thu của hãng này cũng tăng 80% (tương đương 9,87 tỉ USD), trong đó thu từ vận chuyển container tăng 82% (tương đương 9,67 tỉ USD). Tương tự, hãng tàu Maersk ước doanh thu đạt 12,4 tỉ USD và lợi nhuận ròng 3,1 tỉ USD trong quý 1, sản lượng vận chuyển bằng đường biển tăng 5,7% và giá cước bình quân tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong báo cáo mới đây, Maersk dự đoán lợi nhuận ròng cả năm của tập đoàn có thể cao gấp đôi so với ước tính trước đó, đạt khoảng từ 9 - 11 tỉ USD. Hãng tàu OOCL cũng báo cáo tổng sản lượng đã tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng đến 96% lên 3,02 tỉ USD. Doanh thu trung bình trên mỗi TEU của OOCL tăng 58,3% so với quý đầu tiên của năm ngoái. Hay hãng tàu Evergreen vừa có sự cố bị mắc cạn tại kênh đào Suer doanh thu quý 1 cũng tăng 35%, ước đạt 2,27 tỉ USD, lợi nhuận ròng 567,13 triệu USD, đảo ngược khoản lỗ ròng 24,24 triệu USD trong quý 1/2020.
Trước đó, một vài số liệu thống kê của cho thấy, lợi nhuận ròng của một số hãng tàu ngoại trong năm 2020 - năm thế giới xảy ra đại dịch - so với năm 2019 cũng tăng vọt. Cụ thể, hãng tàu CMA CGM tăng 354%, từ 878 triệu USD lên gần 3,104 tỉ USD; hãng COSCO tăng 221%, từ hơn 960 triệu USD lên 2,122 tỉ USD; hãng Hapag Lloyd tăng 162%, từ 811,4 triệu USD lên hơn 1,315 tỉ USD; hãng Maersk (có cộng khấu hao) tăng 148%, từ 4,436 tỉ USD lên 6,545 tỉ USD…
Ông Nguyễn Thắng, giám đốc công ty dịch vụ giao nhận tại Q.2,TP.HCM cho biết, trong danh sách 10 hãng tàu lớn nhất thế giới đều có tham gia vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Việt Nam ra toàn cầu. Việc tăng giá khủng của cước, phí vận tải biển có quá nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu kêu ca rồi, nhưng trong hoàn cảnh cước cả thế giới đều tăng, doanh nghiệp không có lựa chọn nào ngoài việc chấp nhận giảm lợi nhuận và tăng giá bán. Tuy nhiên, có một thực tế là vai trò đại lý, công ty đại diện các hãng tàu ngoại tại Việt Nam chỉ biết làm thủ tục và thu hộ cho công ty mẹ. Câu trả lời luôn luôn là “giá từ công ty mẹ quyết, văn phòng tại Việt Nam không có quyền quyết định.
“Tình thế này mà còn tăng nữa thì nói thẳng là các hãng tàu “ăn dày” quá. Đúng là trong đại dịch khó khăn, thiếu container… cước tăng, nhưng việc lợi nhuận của họ thu được từ kinh doanh dịch vụ tăng vọt như vậy khiến đối tác thấy bị “ép” rõ ràng. Nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu các doanh nghiệp lớn, có khả năng chi phối thị trường “bắt tay” ngầm để tăng giá mà trong đó, cước phí vận tải biển thấy rõ nhất”, ông Thắng nói thẳng.
Bình luận (0)