Giao thông đổ về các thành phố bắt đầu quá tải
Khu vực hồ Văn thuộc Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) mấy ngày tết luôn tấp nập người. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, cho biết trung tâm không thu vé tại khu vực này; phần di tích bên kia đường của Văn Miếu vẫn bán vé, không tăng giá. Ước tính đến hết ngày 1.2 có khoảng 140.000 lượt người tới Văn Miếu.
tin liên quan
Nhiều người không đi máy bay vẫn gửi xe tại sân bay Tân Sơn NhấtNgày 31.1, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết, những ngày tết, nhà để xe tại ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất tất bật khách ra vào.
Di sản Hoàng thành Thăng Long mở cửa từ mùng 2 tết, bán vé cho người lớn, miễn phí cho trẻ em. “Có khoảng 12.000 người thăm hoàng thành trong mấy ngày tết”, bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm di sản Thăng Long Hà Nội, cho biết.
Chưa khai hội khách đã đông
Tại các di tích lớn ở Hà Nội, nhiều hoạt động được nhà quản lý chủ động đưa vào để quảng bá văn hóa và tết truyền thống. Phố cổ Hà Nội mùng 1 tết tổ chức đón đoàn khách gồm 30 quan chức ngoại giao của các đại sứ quán nước ngoài... “Các không gian chung tại phố cổ đều kín người, đặc biệt rất đông khách nước ngoài”, bà Trần Thùy Lan, Trưởng ban Quản lý phố cổ, nói.
Di tích quốc gia đền Ngọc Sơn (Hà Nội) cũng thu hút rất đông du khách, ước tính khoảng 50.000 người. Phố sách xuân khai mạc sáng mùng 3 tết tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) vẫn tiếp tục diễn ra tới mùng 9 tết.
Gò Đống Đa (Hà Nội) vào sáng 1.2 cũng rất đông khách. Tham gia biểu diễn văn nghệ tại lễ hội, ngoài các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp còn có các tiết mục của diễn viên nghiệp dư.
Chùa Hương (H.Mỹ Đức, Hà Nội) đông ngay từ khi chưa khai hội. Năm nay giá vé thăm di tích lẫn vé đò tăng gấp đôi. Năm nay, dự kiến chùa Hương sẽ đón khoảng 1,3 - 1,5 triệu khách. Chùa Hương sẽ khai hội hôm nay (2.2).
tin liên quan
Người cha 'gà trống' ăn Tết cùng hai con teo não vì sợ con bệnhNgười cha từng bị nghi oan 'mướn con làm khỉ' cho biết Tết này sẽ không đi bán nữa vì sợ ra nắng nhiều, hai đứa con sẽ đổ bệnh. “Ra mấy khu vui chơi nhìn người ta đi cả gia đình, nói cười vui vẻ, con cái hỏi này hỏi kia, tôi cũng chạnh lòng lắm...", anh Nghị bùi ngùi.
Du khách dựng lều ngủ ở công viên
Tại Đà Lạt, các đêm mùng 3 và mùng 4 tết, nhiều đoàn du khách và nhóm khách lẻ không tìm được khách sạn phải dựng lều ngủ ở công viên, quảng trường, ngủ trên xe hoặc thuê nhà dân ở vùng ven. Các điểm tham quan tại Đà Lạt đều quá tải, nhiều tuyến đường bị ùn tắc.
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, từ 29 đến mùng 5 tết, lượng khách đến Đà Lạt tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Trên 265.000 lượt khách đến các điểm du lịch tham quan; 105.000 lượt khách lưu trú, khách quốc tế là 12.250 lượt (tăng 11,4% so với cùng kỳ). Giá phòng tại nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn tăng 2 - 3 lần so với ngày thường, dao động từ 700.000 - 1,2 triệu đồng/phòng đơn/đêm; 1,4 đến trên 2 triệu đồng/phòng đôi/đêm.
Tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), từ mùng 1 - 5 tết bến tàu du lịch Cầu Đá (P.Vĩnh Nguyên) có khoảng 27.000 lượt khách đi tham quan các điểm đảo, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016. Có 65.000 lượt khách đến khu di tích Tháp Bà Ponagar và 20.000 lượt khách đến danh thắng Hòn Chồng, trong đó lượng khách quốc tế chiếm khoảng 20%.
Lượng khách đến Đà Nẵng trong dịp tết đạt hơn 260.000 lượt, tăng 17,3% cùng kỳ năm 2016 (trong đó có hơn 103.000 lượt khách quốc tế, tăng 30,6% so với cùng kỳ). Trong khi đó, từ 29 đến mùng 5 tết, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên-Huế tăng cao so với mọi năm, với hơn 92.000 lượt khách, gồm khoảng 56.000 khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt trên 80 tỉ đồng, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt trên 165 tỉ đồng...
Giao thông ùn ứ
Ngày 1.2 (mùng 5 tết), lượng xe máy, ô tô qua phà cụm phà Vàm Cống (TP.Long Xuyên, An Giang) để đi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai quá đông, dẫn đến ùn ứ phía bờ TP.Long Xuyên. Ngày 31.1, phía bờ TP.Long Xuyên cũng bị kẹt xe nối dài do công nhân viên chức, sinh viên các tỉnh ồ ạt qua phà về TP.HCM, các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều ô tô xếp hàng trên 1 giờ đồng hồ mới qua được phà.
Theo ông Nguyễn Phúc Nguyên, Bến trưởng cụm phà Vàm Cống, trong những ngày tết, lượng khách tăng đột biến nên các bến phà hoạt động xuyên suốt ở bến chính và bến phụ. Cụm phà Vàm Cống phải đưa 10 phà gồm 8 phà loại 200 tấn và 2 phà loại 100 tấn chạy liên tục mới đáp ứng xuể.
Ngày mùng 4 tết là cao điểm do lượng xe máy qua phà ở hai đầu bờ là 36.216 xe (trong khi ngày thường khoảng 13.000 xe), còn ô tô các loại ở hai đầu bờ là 8.500 xe (ngày thường khoảng 4.000 xe).
tin liên quan
CSGT chặn bắt nhóm đi 'xe cọp' định đua xe mùng 1 Tết Đinh DậuThấy CSGT, nhóm người trên những chiếc xe ‘cọp’ chia thành nhiều hướng bỏ chạy nhưng một nhóm 6 xe đã va vào nhau té ngã xuống đường nên bị CSGT chặn bắt ở TP.HCM.
Tại Bạc Liêu, từ 29.1 - 1.2, tuyến đường Cao Văn Lầu (TP.Bạc Liêu) liên tục kẹt xe nghiêm trọng do du khách từ nhiều tỉnh, thành ùn ùn đổ về các khu du lịch nổi tiếng của Bạc Liêu để hành hương và tham quan.
Theo ghi nhận của PV, tuyến độc đạo Cao Văn Lầu khoảng 10 km, từ trung tâm TP.Bạc Liêu đến Khu du lịch sinh thái Nhà Mát và Khu du lịch Phật bà Nam Hải (P.Nhà Mát), mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt ô tô, xe máy chen nhau. Hàng ngàn lượt phương tiện nối đuôi nhau đổ về Khu du lịch Phật bà Nam Hải, nhiều đoạn xảy ra tình trạng hỗn loạn.
Công an TP.Bạc Liêu phải huy động nhiều CSGT, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ túc trực 24/24 để phân luồng, giải tỏa ách tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho du khách.
Trong khi đó, tình trạng xe "nhồi nhét" khách vẫn diễn ra trên địa phận Quảng Bình. Mùng 3 tết, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện xe khách BS 37B-011.64 (nhà xe Tựu Phương) chạy trên QL1 theo hướng bắc - nam chở 69 người so với lượng người được phép chở là 43; xe cũng không có giấy chứng nhận đăng ký.
Chiều 1.2, chính quyền xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An, Quảng Nam) đã huy động 12 ca nô cao tốc cùng với nhiều tàu khách để đưa hàng trăm người dân, học sinh, sinh viên trở về đất liền. Đây là những người dân làm ăn xa quê và học sinh, sinh viên học tập các nơi về Cù Lao Chàm đón tết.
Theo dự báo, từ hôm nay lượng người đổ về các thành phố lớn sau kỳ nghỉ tết bắt đầu tăng cao và giao thông sẽ tiếp tục quá tải.
Tour tết nước ngoài tăng
Đại diện Công ty du lịch TST Tourist cho biết lượng khách các tour châu Âu đơn tuyến, liên tuyến có lịch khởi hành vào dịp tết tăng 200% so với thời điểm cùng kỳ Tết Nguyên đán 2016. Những tuyến Đông Nam Á truyền thống như Bangkok - Pattaya (Thái Lan), Singapore, Malaysia... vẫn giữ mức tăng trưởng bằng với cùng kỳ 2016. Các tour xa như Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai có sự tăng trưởng mạnh, vượt 50% so với cùng kỳ tết năm trước. Theo Công ty Bến Thành Tourist, dịp tết năm nay lượng khách đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều tăng rất mạnh, ước tính gấp 3 - 4 lần so năm 2015. Còn theo Vietravel, dịp tết năm nay công ty phục vụ khoảng 30.000 lượt khách, tăng khoảng 10% so với các năm trước.
|
Giá cả trong tầm kiểm soát
Mặc dù tại các chợ dân sinh ở Hà Nội nhiều người bán hàng còn nghỉ tết, song giá cả thực phẩm chỉ tăng nhẹ, nhiều mặt hàng đã trở về giá bình thường. Khảo sát của PV Thanh Niên tại một số chợ ở Hà Nội như: chợ Mơ, chợ 8.3 (Q.Hai Bà Trưng), chợ Trương Định (Q.Hoàng Mai), chợ Mỹ Đình (Q.Cầu Giấy) sáng 1.2, giá thực phẩm rẻ hơn những ngày cận tết và chỉ tăng 1.000 - 2.000 đồng so với ngày thường. Tăng mạnh nhất là rau muống từ 5.000 đồng lên 15.000 đồng/bó. Hầu hết tại các chợ chỉ có vài ba quầy hàng mở cửa, giá cả tương đối ổn định.
Trong khi đó tại TP.HCM, từ sáng mùng 4 tết (31.1) các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau hút hàng. Tại một số chợ truyền thống như Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, Tân Định, Hòa Bình... giá các loại rau cải tăng từ 20 - 30% so với ngày thường; trong khi đó các mặt hàng tươi sống lại tăng ít nhất 50%. Nhiều tiểu thương giải thích giá tăng là do nguồn cung hạn chế bởi nhà vườn, nhà nông còn ăn tết và nhu cầu tăng cao hơn ngày thường. Đại diện các chợ đầu mối cho biết: từ mùng 2 tết, hàng hóa đã về thành phố tương đối dồi dào nhưng vẫn ít hơn ngày thường khoảng 50%. Hàng hóa về các chợ bắt đầu tăng mạnh từ mùng 4 tết và trở lại bình thường vào một vài ngày sau đó. Trong những ngày đầu năm mới, các siêu thị BigC, Fivimart, Vinmart, Lotte... đều chạy các chương trình khuyến mãi, giảm giá mặt hàng thực phẩm tươi sống từ 10 - 20%. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn thấp.
|
171 người chết vì tai nạn giao thông trong tết
Báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, tính chung trong 6 ngày nghỉ tết, từ 26 - 31.1 (29 đến mùng 4 tết), cả nước xảy ra 226 vụ tai nạn, làm chết 141 người, bị thương 252 người. Ngoài ra, báo cáo ban đầu chưa chính thức trong ngày hôm qua (1.2), cả nước xảy ra 41 vụ TNGT, làm 30 người chết, 47 người bị thương.
Tối 1.2, báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho biết, trong 7 ngày tết (29 đến mùng 5 tết), có 4.474 trường hợp vào cấp cứu do đánh nhau (giảm 647 ca so với cùng kỳ 2016), trong đó 550 trường hợp được xác định là do rượu, bia. Cả nước cũng ghi nhận 150 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (không loại trừ ca thống kê do trùng lặp do chuyển viện), tăng 54 trường hợp so với dịp tết năm ngoái, không có tử vong. Các bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500 ca rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và ngộ độc rượu, trong đó hơn 700 trường hợp được xác định nguyên nhân do rượu, bia.
Mai Hà - Nam Sơn - Thúy Anh
|
Bình luận (0)