Các mặt trận thương mại Mỹ - Trung

Khánh An
Khánh An
01/04/2018 08:00 GMT+7

Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới gây áp lực lên các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của đối phương trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại.

Với lý do chịu thâm hụt thương mại nặng nề và bị vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuế lên tới 60 tỉ USD đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng thông báo kế hoạch đánh thuế trả đũa hơn 120 mặt hàng nhập khẩu từ đối tác trị giá 3 tỉ USD. Trước nguy cơ chiến tranh thương mại bùng phát, những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của hai bên lập tức được cho là sẽ lọt vào tầm ngắm của nhau.
Công nghiệp Trung Quốc
Theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ sẽ liệt kê danh sách 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 2 tuần và thêm 30 ngày lấy ý kiến dư luận trước khi thực thi. Theo thông báo mới nhất từ đại diện thương mại Robert Lighthizer, việc áp thuế có thể áp dụng ngay từ tháng 6 và có thể mất nhiều năm để đưa quan hệ thương mại giữa hai nước “trở lại thời kỳ tốt đẹp”.
Tuy chưa có danh sách chính thức nhưng Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho rằng Washington sẽ tập trung vào các sản phẩm về công nghiệp vũ trụ, thông tin, công nghệ và chế tạo máy của đối phương. Năm ngoái, Mỹ nhập lượng hàng hóa trị giá 150 tỉ USD từ Trung Quốc trong các lĩnh vực này. Mặt khác, Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) hồi giữa tuần đã đề xuất cấm những doanh nghiệp và tổ chức Mỹ nhận quỹ hỗ trợ từ FCC mua sản phẩm của các tập đoàn Huawei và ZTE. Theo Chủ tịch FCC Ajit Pai, đề xuất này nhằm ngăn chặn tiền quỹ được sử dụng để mua sắm thiết bị hoặc dịch vụ “có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia”. “Đằng sau những công ty này có thể là những chính phủ thù địch cài cấy vi rút, tiến hành tấn công mạng, trộm dữ liệu và hơn thế nữa”, trang TechRepublic dẫn lời ông Pai nói. Tuy lý do chính được đưa ra là lo ngại về an ninh nhưng Huawei và ZTE đều là những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ Trung Quốc nên việc 2 tập đoàn này bị đưa vào tầm ngắm cũng không nằm ngoài chiến lược của Mỹ trong cuộc đấu về thương mại với đối phương.
Theo Bloomberg, giới chuyên gia kinh tế ước tính chiến tranh thương mại toàn diện giữa hai nước có thể sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại tương đương từ 1,3 - 3,2% GDP cũng như đối mặt nguy cơ tác động dây chuyền về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị.
Đậu nành, nợ công Mỹ
Ở phía bên kia, Trung Quốc đang đe dọa đánh thuế các mặt hàng rượu vang, trái cây, thịt heo, nhôm tái chế và các loại hạt từ Mỹ với thuế suất từ 15 - 25%. Ngoài ra, dù chưa đề cập trực tiếp khả năng áp thuế nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ ý có thể nhằm vào đậu nành, một trong những loại hàng hóa chủ đạo trong giao thương giữa hai nước. Theo Bloomberg, 61% sản lượng xuất khẩu đậu nành của Mỹ trong năm ngoái là để bán sang Trung Quốc, khách hàng lớn nhất hiện nay. Ước tính, Mỹ có khoảng 300.000 nông dân trồng đậu nành và ngành này sẽ thiệt hại nặng nếu bị Trung Quốc đánh thuế.
Trước nguy cơ đang dần hình thành, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad hồi cuối tuần cảnh báo về “hậu quả khó lường” nếu chính quyền Bắc Kinh đánh thuế đậu nành nhập khẩu. Theo ông Branstad, người dân Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn nông dân Mỹ vì đây là nguồn thức ăn cho hơn 400 triệu con heo ở nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc cắt giảm xuất khẩu đậu nành sẽ ảnh hưởng đến nhiều nông dân ở các bang khu vực Trung Tây Mỹ, được cho là nắm giữ lá phiếu quan trọng trong việc bảo đảm để đảng Cộng hòa duy trì được thế đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, nợ công cũng là một lĩnh vực nhạy cảm trong căng thẳng thương mại song phương. Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ nhưng đầu tư đang trên đà sụt giảm. Giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đã xuống còn 1.170 tỉ USD, mức thấp nhất trong vòng 6 tháng. Theo các chuyên gia, Mỹ sẽ gặp khó khăn gấp bội nếu Trung Quốc đáp trả bằng cách tiếp tục giảm mức đầu tư trái phiếu, nhất là trong bối cảnh Washington đang chật vật giải quyết vấn đề ngân sách chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo nước này còn có thể nhằm vào các mặt hàng như máy bay, xe hơi, linh kiện bán dẫn và thậm chí cả ngành dịch vụ của đối phương. Trong buổi tiếp đoàn nghị sĩ Mỹ tới thăm Bắc Kinh mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói nước này để ngỏ khả năng đối thoại nhưng “hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng cho các biện pháp trả đũa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.