Các ngân hàng Mỹ nguôi dần tham vọng tại thị trường Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
27/05/2023 13:31 GMT+7

Căng thẳng chính trị kéo dài được cho là một trong những nguyên nhân khiến tham vọng của các ngân hàng Mỹ tại thị trường Trung Quốc nguôi dần.

Các ngân hàng Mỹ nguôi dần tham vọng tại thị trường Trung Quốc  - Ảnh 1.

Trung tâm tài chính Lục Gia Chủy ở Thượng Hải, Trung Quốc

REUTERS

Theo tờ Nikkei Asia ngày 27.5, một số ngân hàng lớn ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi thực tế căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, khiến việc mở rộng tại Trung Quốc ngày càng có nhiều nguy cơ, dù trước đó thị trường này được xem là cơ hội làm ăn lớn.

Ý tưởng đã thay đổi

Các ngân hàng bắt đầu cân nhắc giảm nhân viên trong khu vực, khi Washington và Bắc Kinh vẫn còn chiến tranh thương mại kéo dài qua 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, dẫn đến nhiều quy định và cấm vận từ 2 phía.

"Ý tưởng từng là giành được chỗ đứng và sau đó phát triển công việc kinh doanh, và ngay cả khi bạn phải đầu tư một khoản lớn ngay bây giờ, bạn sẽ ngày càng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn theo thời gian. Nhưng phép tính đó đã thay đổi", theo ông David Williams, cựu nhân viên Ngân hàng Merrill Lynch ở Hồng Kông hiện đang điều hành một công ty riêng.

Các ngân hàng Goldman SachsMorgan Stanley của Mỹ đang cân nhắc giảm nhân viên tại châu Á – Thái Bình Dương, theo báo cáo của Bloomberg. Theo đó, Morgan Stanley cân nhắc giảm bớt 7% đội ngũ ngân hàng đầu tư trong khu vực.

Việc thắt lưng buộc bụng diễn ra hơn 5 năm sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và kéo dài đến nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.

Dưới áp lực từ các quy định bổ sung và mối đe dọa trừng phạt đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, từ cả chính quyền 2 nước, việc đánh đổi rủi ro để thu lợi có thể quá mất cân bằng đối với các ngân hàng từng mong muốn mở rộng sang nền kinh tế Trung Quốc.

Thị trường IPO màu mỡ để đưa các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch ở New York gần như đã dừng lại, sau khi kế hoạch niêm yết Didi, công ty gọi xe công nghệ hàng đầu Trung Quốc, vào năm 2021 gặp trở ngại.

Nhiều yếu tố tác động

Những xích mích tiếp diễn liên quan việc giám sát kế toán từ chính quyền Mỹ có thể thúc đẩy thêm việc hủy niêm yết và Bắc Kinh được cho là đã gây áp lực buộc các công ty Trung Quốc phải từ chối sử dụng các công ty kế toán quốc tế lớn trong nước.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden đang tiến gần hơn đến việc ban hành lệnh hành pháp sàng lọc đầu tư ra nước ngoài vào một số lĩnh vực nhất định ở Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng thái độ tại Washington trở nên ít thân thiện hơn với việc đầu tư vào Trung Quốc, khi các chính trị gia chưa thay đổi lập trường của họ đối với đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng mạnh của Trung Quốc cũng đã thay đổi. Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng được công bố trong tháng này đã khiến các ngân hàng lớn ở Mỹ và các nơi khác hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng đối với quá trình phục hồi hậu Covid-19 đang diễn ra của Trung Quốc.

Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 4 tăng so với năm trước và tăng so với tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn dự báo. Sản lượng công nghiệp chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, dù trước đó tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ đạt gần 11%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.