Các ngân hàng TP.HCM 'bơm' hơn 3 triệu tỉ đồng cho doanh nghiệp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
25/04/2022 13:26 GMT+7

Đây là con số dự ước đến cuối tháng 4 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, tăng khoảng 7% so với cuối năm 2021 - tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm.

Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM lên trên 3 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 30% tổng dư nợ tín dụng toàn quốc. Tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng cao, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế thành phố phục hồi nhanh. Trong đó tín dụng bằng tiền đồng chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng (chiếm 93%) và tăng trưởng 7,6% so với cuối năm 2021.

Tốc độ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng nhanh

ngọc thắng

Dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực (xuất khẩu; nông nghiệp - nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 196.000 tỉ đồng. Với lãi suất không quá 4,5%/năm đã tạo điều kiện cho các nhóm ngành, lĩnh vực này là động lực tăng trưởng của nền kinh tế phục hồi và phát triển. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 76% trong tổng dư nợ của chương trình này.

Tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, dư nợ cho vay các doanh nghiệp trong KCN-KCX trên địa bàn đạt trên 400.000 tỉ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Kết quả này phù hợp với những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong KCN-KCX với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá trong 3 tháng đầu năm và thời gian qua.

Trong thời gian tới, NHNN chi nhánh TP.HCM yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định và chính sách của NHNN về tiền tệ, tín dụng và lãi suất; giữ ổn định lãi suất gắn với cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, kiểm soát nợ xấu và đảm bảo chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả, quán triệt tinh thần chỉ đạo và khuyến nghị của NHNN về tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với các cơ chế chính sách về tín dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.