BS CK II Vũ Viết Chính (BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM)
Ngồi máy tính quá lâu
Thưa bác sĩ, bệnh thoái hóa đốt sống cổ hay gặp ở người 40-50 tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa và số chị em văn phòng mắc phải bệnh lý này cũng ngày càng tăng lên. Tại sao vậy? Tú Anh – TP.HCM
Những nguyên nhân phổ biến
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh thoái hóa đốt sống cổ gia tăng ở chị em nhưng một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là thói quen ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài như: làm việc với máy tính lâu, ngồi sai tư thế (cúi nhiều, chỉ nhìn một hướng trong thời gian dài), ngủ vắt vẻo ở ghế hoặc gục lên bàn… là những thói quen xấu khiến chị em dễ có nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ. Người bị bệnh thường có biểu hiện đau mỏi vùng cổ, sau lan xuống bả vai, cánh tay. Cảm giác đau lúc đầu như kim châm tê tê sau nếu bệnh nặng có thể đau nhói, buốt từng cơn. Người bị thoái hóa đốt sống cổ nặng có thể kèm theo biến chứng phức tạp hơn như khó nuốt, thấy vướng ở cổ, vẹo cổ, thường xuyên bị choáng... Thoái hóa đốt sống cổ ở đoạn C1-C2 có liên quan trực tiếp tới việc quay đầu cổ, nâng giữ đầu nên người bệnh sẽ có cảm giác khó quay đầu, cứng gáy, có điểm dau khi ấn vào các gai xương, các mỏm ngang của cột sống cổ. Nếu thoái hóa ở đoạn C4 sẽ liên quan đến sự vận động của cơ hoành nên người bệnh có biểu hiện nấc, ngáp, chóng mặt.
Lắc, bẻ cổ kêu răng rắc – mối nguy hại
Điều đáng lo ngại là người bị bệnh này không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị triệu chứng bằng thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc nặng hơn là phẫu thuật Để ngăn ngừa bệnh tiến triển bạn cần loại bỏ thói quen xấu, có tư thế ngồi đúng cách: ngồi phải có cảm giác thoải mái, không phải vươn người, vẹo trái hay phải. Ghế ngồi phải có tựa lưng nhưng không được ngả quá ,chân ở tư thế nghỉ ngơi trên sàn hoặc trên bục để chân; góc khủy tay khoảng 90 độ. Chiều cao bàn làm việc nên ở 65 - 75cm, máy tính để xa mắt khoảng 50cm, cạnh trên của màn hình phải ở dưới tầm mắt. Ngoài thuốc, châm cứu và bấm huyệt kết hợp với xoa bóp cũng là cách điều trị hiệu quả.
Để hạn chế thoái hóa đốt sống cổ nặng thêm, bạn tuyệt đôi không đội vật gì nặng trên đầu. Đeo đai một thời gian ngắn để hạn chế chuyển động và giữ tư thế sinh lý đầu cổ. việc lắc bẻ cổ nhằm đỡ mỏi được xem là mối nguy hại hàng đầu dẫn đến bệnh trầm trọng hơn. Nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu để hết mỏi cổ nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng; cần tránh các tư thế như: nhìn về một hướng quá lâu, mang vác vật nặng, hay nghiêng cổ thường xuyên về phía bị đau.Không có động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả những động tác này sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ Với bệnh này, rất dễ có nguy cơ gãy, trợt khớp mỏm nha gây liệt tứ chi, thậm chí tử vong. Do đó, bạn cần tuyệt đối không vặn cổ, ấn cổ mạnh hoặc nằm gối đầu quá cao.
Tập thể dục thường xuyên
Để chủ động tránh căn bệnh này, sau thời gian ngồi máy tính từ 30 - 45 phút, bạn nghỉ giải lao 5-10 phút. Có thể xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ, vai hoặc tập thư giãn bằng cách trò chuyện với đồng nghiệp, không nhìn vào máy tính. Nếu nặng hơn bắt buôc bạn phải luyện tập cơ cổ.
Đây là phương pháp có hiệu quả nhất để dự phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Thao tác cụ thể: đặt 2 tay ở phía sau não, đầu dồn sức về phía sau, hai tay lại dùng lực “chống lại” đẩy về phía trước, duy trì tư thế từ 3 - 5 phút, mỗi lần làm 30 -50 lần, mỗi ngày 2 lần. Ngoài ra, khi ngủ bạn cần lựa chọn gối dễ định hình, đồng thời khi ngủ đặt gối ở sau ót chỗ đốt xương cổ.