>> Việt Nam tích cực tham gia ứng phó biến đổi khí hậu
>> Đô thị ở Việt Nam dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu
|
Khu vực Đông Á nằm ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu. Hàng trăm triệu người sinh sống tại nội thành hoặc ngoại thành của các thành phố nằm trong khu vực đất thấp, phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng từ mực nước biển dâng, những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán, xâm mặn và khan hiếm nước ngọt. Trong những năm qua, chúng ta đang trải qua những hiện tượng khí hậu cực đoan nối tiếp nhau, như những đợt lũ lụt gây chết người và giông tố tàn phá từ những cơn siêu bão.
Hiện nay đang là mùa mưa bão, để lại cảnh hoang tàn ở nhiều nơi tại Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và các vùng khác trong khu vực. Mỗi cơn siêu bão là một lời nhắc nhở chúng ta cũng như tất cả những nhà lãnh đạo trên thế giới phải có trách nhiệm hành động ngay để làm giảm nguy cơ của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.
Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa trong xây dựng khả năng thích ứng để giúp các cộng đồng đứng vững trước những hình thái thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong tương lai. Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm cho người dân và các chương trình, dự án khác nhằm gắn kết sức mạnh của cộng đồng. Trên quy mô toàn cầu, cần giảm mạnh các hoạt động làm tăng biến đổi khí hậu.
Trong tháng tới, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu cho các nhà lãnh đạo thế giới để kêu gọi các chương trình hành động cấp quốc gia và thế giới khi chúng ta đều đang hướng tới một thỏa thuận biến đổi khí hậu quốc tế vào năm 2015.
Tổng thư ký Ban Ki-moon đang tìm kiếm các nhà lãnh đạo.
Vai trò lãnh đạo có nghĩa là tiến hành những chính sách thông minh đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, tăng cường sự thịnh vượng và mang tới một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.
Vai trò lãnh đạo có nghĩa là phải ban hành các chính sách thể chế, tạo thuận lợi cho đầu tư xanh và giúp các doanh nghiệp có niềm tin vững chắc để thực hiện việc xanh hóa các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng. Một trong những lựa chọn có thể bao gồm việc định giá các-bon để giúp doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư sạch hơn mà không gây tổn hại đến quyền được phát triển bền vững.
Vai trò lãnh đạo cũng có nghĩa thúc đẩy phát triển năng lượng, thông qua áp dụng tiêu chuẩn hiệu suất đối với các công trình xây dựng, ô tô và các loại thiết bị khác; nó cũng đồng nghĩa với việc thiết lập mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; đầu tư phát triển năng lượng sạch cho tương lai.
Đối với các nhà đầu tư, vai trò lãnh đạo có nghĩa là đưa ra được các lựa chọn sáng suốt như đầu tư vào trái phiếu xanh, một thị trường trị giá 20 tỉ đô la và đang tăng trưởng, để thu được lợi nhuận lành mạnh thông qua việc đầu tư vào các dự án phát thải các-bon thấp, hoặc đầu tư vào năng lượng tái tạo, tái trồng rừng và giao thông phát thải thấp.
Việt Nam, một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của nước biển dâng, đang hướng tới thực hiện lộ trình phát triển nền kinh tế phát thải các-bon thấp và tăng cường tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy giao thông công cộng tại các thành phố lớn. Là một phần của Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và sau đó. Cùng với các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mekong, Việt Nam đang thực hiện quá trình ra quyết định dựa trên các cơ sở khoa học nhằm triển khai các giải pháp lồng ghép, sáng tạo về quản lý tài nguyên nước, quản lý vùng ven biển để bảo vệ các cộng đồng dân cư và sinh kế tại Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam vẫn rất cần nhận được sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Philippines đang phát triển mô hình có thể nhân rộng nhằm tăng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai. Quốc gia này cũng tăng đầu tư cho các giải pháp sáng tạo trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là kiểm soát lũ, tiết kiệm năng lượng và tái trồng rừng. Philippines cũng đặt mục tiêu tăng gấp ba lần mức độ sử dụng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và thông qua nhiều biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, bao gồm ưu đãi thuế quan, đo lường tổng năng lượng sử dụng…
Trong hai năm qua, Trung Quốc đã triển khai thí điểm hoạt động của 7 thị trường các-bon cấp địa phương, tạo ra thị trường các-bon lớn thứ 2 trên thế giới, đầu tư mạnh vào phát triển các thành phố các-bon thấp và sử dụng năng lượng tái tạo.
Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn đã chỉ ra rằng những dự án phát triển lớn được thiết kế cẩn thận cũng có thể làm giảm được phát thải và tăng khả năng ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai. Các nước đang phát triển đang rút ra các bài học mà các nước phát triển đã phải trả giá để hướng thẳng đến việc áp dụng các giải pháp khí hậu thông minh, phát triển các-bon thấp, nhờ đó có được lợi thế cạnh tranh.
Khi thế giới đang hướng đến Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc diễn ra vào mấy tuần sắp tới, tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải hành động để bảo vệ trái đất của chúng ta vì các thế hệ tương lai và con cháu chúng ta. Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa - chi phí sẽ ngày càng tăng. Chúng ta có kiến thức. Chúng ta hiểu sự cấp bách. Và ngay lúc này mỗi người và tất cả chúng ta cần hành động. Cuộc đời của con cháu chúng ta phụ thuộc vào chính hành động của chúng ta.
>> Biến đổi khí hậu làm ĐBSCL mất 2 triệu ha đất trồng lúa
>> Hàng chục ngàn người khắp thế giới diễu hành phản đối biến đổi khí hậu
>> Biểu tình kỷ lục chống biến đổi khí hậu
>> Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
>> Ưu tiên vốn cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu
>> Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi hành động chống biển đối khí hậu
Bình luận (0)