Buổi nói chuyện về một thời Tuổi Ngọc thật xúc động, đan xen cùng với những hồi ức của các nhà văn do NXB Văn hóa – Văn nghệ tổ chức trong không gian văn hóa thoáng đãng của Đường Sách. Tham dự còn có nhà thơ Lê Minh Quốc, ca sĩ Kim Anh và đại diện cho thế hệ những nhà văn trẻ có: Tiểu Quyên, Trúc Thiên và MC nhà báo Phương Huyền khiến cho câu chuyện trở nên liền mạch.
Mở đầu buổi nói chuyện, nhà văn Đoàn Thạch Biền cho rằng: “Tuổi thanh xuân của một đời người thì thời nào cũng đẹp, dù có khác biệt đôi chút nhưng mẫu số chung vẫn là… đáng nhớ. Vì vậy, các nhà văn khi cầm bút, mọi người đều muốn viết về thời này với một cảm xúc rất kỳ lạ”. Còn nhà văn Mường Mán, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Lá tương tư, Một chút mưa thơm, Hồng hạ, Thương nhớ người dưng, Ngon hơn trái cấm… thì gây bất ngờ khi tiết lộ về cái tên dễ gây ngộ nhận là… người dân tộc. Mường Mán đích thị là dân Huế, ông có quán ruốc Huế rất nổi tiếng tại Sài Gòn. Nhà văn kể. “Thế hệ những nhà văn trẻ chúng tôi trước đây đều …già hết rồi.Mặc dù không còn sức để yêu nữa nhưng tôi có thể nói rằng, tình yêu thời các nhà văn Tuổi Ngọc sống chậm nhưng cũng chết rất nhanh. Từ khi con tim rung động từng nhịp đầu tiên đến khi cầm được tay đã mất vài tháng. Rồi từ khi cầm tay nhau đến lúc có được nụ hôn vụng dại đầu đời thì có thể mất…"vài chục cây số" rồi…tan vỡ trong đau khổ. Còn bây giờ, tôi thấy tình yêu các bạn trẻ nhanh lắm, mọi thứ diễn ra quá thần tốc nhờ các phương tiện hiện đại.
|
Đồng quan điểm đó của nhà văn Mường Mán, nhà văn Tiểu Quyên tâm sự: “Nếu như các truyện ngắn bây giờ tình yêu cứ lẩn quẩn trong một không gian đô thị chật chội thì ngày xưa, các nhà văn biết kết nối với quá khứ nên đọc rất hấp dẫn. Chuyện tình trong tác phẩm của chú Mường Mán dang dở nhưng chú biết kết nối với một Huế xưa cổ kính và trầm tích, dấu ấn xưa., đôi khi giữa chiến tranh và hòa bình, nỗi đau ập xuống mang sức nặng ghê gớm. Đọc cứ chạm vào tận cùng của cảm xúc dù không hề gào thét”. MC Phương Huyền bổ sung thêm: “Đoc 17 truyện ngắn của anh Đoàn Thạch Biền là độc giả đi qua được 17 tỉnh thành với vô số món ngon vật lạ và phong tục tập quán lý thú”
Đứng trước những “cây cao bóng cả” của các cây bút Tuổi Ngọc, nhà thơ Lê Minh Quốc bộc bạch: “Tôi đến đây vì lòng ngưỡng mộ anh Biền, Anh Tường, anh Mường Mán. Ngày xưa, khi gặp tôi cố nhà văn Sơn Nam có nói: “Tôi đã chọn đúng hướng khi viết về Nam Bộ với hàng loạt đầu sách được xuất bản rất có giá trị tạo nên thương hiệu Sơn Nam thì với các nhà văn Tuổi Ngọc, tôi nghĩ điều đó cũng đúng như vậy khi tác phẩm đã vượt qua thời gian cứ tồn tại và được bạn đọc rất yêu thích”.
|
|
Nhà văn Từ Kế Tường khẳng định: “Theo tôi dòng sách văn học viết về Tuổi Ngọc, tức tuổi mới lớn hay gọi bằng cái tên mới là “thiên đường không tuổi” vẫn là dòng sách hấp dẫn, bởi Tuổi Ngọc hay tuổi mới lớn là những tháng năm đẹp nhất của đời người ai cũng có giai đoạn này, sống, và trải qua với tâm trạng của mình và nó luôn được hồi tưởng trong suốt các giai đoạn tiếp theo của đời người. Tuy nhiên, hiện nay rất ít nhà văn viết chuyên về lãnh vực này, tôi nói chuyên về lãnh vực này là theo đuổi bằng ngòi bút của mình, viết một cách bền bỉ và tâm huyết. Đề tài tuổi mới lớn là đề tài muôn thuở, tác giả nào viết hay, được giới trẻ chấp nhận sẽ tạo được tên tuổi và có dấu ấn đặc biệt với dòng văn học này. Việc NXB Văn hóa-Văn nghệ chủ trương tủ sách “Thiên đường không tuổi” là việc làm thích hợp và mang nhiều ý nghĩa tích cực, khơi dậy một dòng văn học có thời đã bị lãng quên. Tôi hy vọng là tủ sách này sẽ lớn mạnh, phát triển, không chỉ quy tụ, tập hợp được một số tác giả Tuổi Ngọc như vừa rồi mà sẽ là sự nối tiếp bởi những tác giả trẻ. Vấn đề viết như thế nào, tâm huyết hay không và có bền bỉ, dài hơi với ngòi bút của mình hay không?”.
Bình luận (0)