Dù được xem là sự kiện danh giá bậc nhất trong làng điện ảnh, thế nhưng LHP Cannes vẫn không thể tránh khỏi những tranh cãi vây quanh. Nếu như giải Oscar của Hollywood thường vướng phải chỉ trích về phân biệt chủng tộc, thì LHP Cannes lại dính lùm xùm về bình đẳng giới. Sự thiếu vắng các nữ đạo diễn trên thảm đỏ Cannes là điều đã khiến dư luận dậy sóng suốt thời gian qua. Thậm chí trong các năm 2005, 2010 và 2012, không có bất kỳ gương mặt nữ nào trong danh sách tranh giải Cành cọ vàng.
Kể từ năm 2015, ban tổ chức Cannes mới dần thoáng hơn trong việc đưa phụ nữ vào danh sách đề cử. Vào năm 2016, LHP Cannes lần thứ 69 chứng kiến sự lên ngôi của nữ quyền khi ba nữ đạo diễn là Andrea Arnold, Judie Froster và Maren Ade cùng so tài trong cuộc đua tranh giải Cành cọ vàng. Bên cạnh đó, việc 4/9 thành viên ban giám khảo là những người phụ nữ vô cùng quyền lực cũng giúp xoa dịu dư luận phần nào.
Tương tự năm ngoái, LHP năm nay có ba bộ phim do phụ nữ chỉ đạo tranh giải Cành cọ vàng, đó là Hikari của Naomi Kawase, The Beguiled của Sofia Coppola và You Were Never Really Here của Lynne Ramsay.
Trong số đó, Naomi Kawase là nữ đạo diễn châu Á hiếm hoi có cơ hội góp mặt tại LHP Cannes. Bà vốn là cái tên hiện diện thường xuyên tại sự kiện điện ảnh danh giá này. Năm 1997, khi mới 27 tuổi, Kawase đã giành giải Camera vàng của LHP Cannes với tác phẩm Moe no Suzaku. Kể từ đó, phim bà làm ra dường như chỉ để tham dự LHP, lần lượt là Sharasojyu (2003), Mogari no Mori (2007), Hanezu no Tsuki (2011), Futatsume no Mado (2014) và An (2015) đều được trình chiếu tại Cannes, một con số ''khủng'' mà ngay cả nam đạo diễn cũng phải mơ ước.
|
Dù vậy, phim của Kawase không hề chú trọng vào kỹ xảo, những màn giật gân thót tim hay cốt truyện hấp dẫn, mà tập trung khai thác mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, thậm chí là con người đối diện với vòng quay sự sống - cái chết. Sự giản dị trong các tác phẩm của bà gợi nhớ đến cách làm phim của đạo diễn huyền thoại Yasujiro Ozu - thông qua sự giản dị trong ngôn ngữ điện ảnh để truyền tải những chân lý tưởng chừng phức tạp trong cuộc sống.
Ngoài ra, bà còn từng ngồi vào ghế giám khảo trong LHP Cannes lần thứ 66 cùng với đạo diễn lừng danh Steven Spielberg và được bổ nhiệm làm chủ tịch của hội đồng phim ngắn tại Cannes 2016.
Đạo diễn người Anh Lynne Ramsay cũng là một gương mặt thân quen khác của LHP Cannes. Ban đầu, bà tạo dấu ấn tại LHP qua hàng loạt những phim ngắn như Small Deaths (1996) và Gasman (1998). Kế đó, Ramsay lại ghi điểm với Ratcatcher vào năm 2000, nhưng đỉnh điểm phải kể đến bộ phim We need to talk about Kevin (2011) tham gia tranh giải Cành cọ vàng tại LHP lần thứ 61, cũng là bộ phim gây tiếng vang của bà trong giới điện ảnh.
|
Tác phẩm của Lynne Ramsay cũng mạnh mẽ, trực diện như cá tính con người bà. Ramsay ít chú tâm vào hội thoại hay những nút thắt trong cốt truyện, mà chủ yếu tận dụng hình ảnh, chi tiết, màu sắc và âm thanh để tạo dựng nên ngôn ngữ điện ảnh của riêng bà. Phim bà tái hiện lại thế giới của trẻ em và thanh thiếu niên khi đối mặt với nỗi buồn, với tội lỗi và với cái chết. Nhà phê bình người Anh Jonathan Romney đã từng nhận định về Ramsay như sau: “Ramsay không tư duy bằng khái niệm mà tư duy bằng hình ảnh. Cô ấy không làm những phim đầy trí tuệ, phim cô ấy gần hơn với âm nhạc, đẩy những hình ảnh lên đến mức trừu tượng”.
Cũng như Naomi Kawase, Lynne Ramsay từng được chọn vào vị trí giám khảo tại LHP Cannes 2013.
So với hai nữ đạo diễn trên, Sofia Coppola lại ít thâm niên tại LHP Cannes hơn hẳn, dù đã được bố là đạo diễn huyền thoại Francis Ford Coppola dẫn dắt vào điện ảnh từ khi còn bé. Không hề bị lấn át bởi danh tiếng của cha mình, nữ đạo diễn từng bước khẳng định dấu ấn riêng bằng những tác phẩm tinh tế, nhẹ nhàng, đầy nữ tính. Năm 2004, Coppola đoạt giải Oscar ở hạng mục Kịch bản hay nhất cho phim Lost in Translation. Coppola cũng là nữ đạo diễn Mỹ đầu tiên thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2010.
|
Trong LHP Cannes lần thứ 59, Sofia Coppola đưa phim tiểu sử Marie Antoinette tham gia tranh Cành cọ vàng lần đầu tiên. Dẫu còn nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía ban giám khảo, thế nhưng nhiêu đó cũng đủ làm bệ phóng cho những tác phẩm sau này của bà, bao gồm The Bling Ring (2013) tại hạng mục Un Certain Regard và sắp tới đây là The Beguiled.
Có thể thấy trong năm nay, ban tổ chức Cannes đã khéo léo lựa chọn các nữ đạo diễn quen thuộc để tham gia tranh giải Cành cọ vàng, chứ không bận tâm khai thác những tài năng mới. Dù vậy, với ba tác phẩm trong danh sách đề cử Cành cọ vàng, việc các nữ đạo diễn có làm nên chuyện hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Bình luận (0)