Các nước lân cận Syria nghĩ gì về viễn cảnh Mỹ đánh Syria?

05/09/2013 18:15 GMT+7

(TNO) Nhiều nước láng giềng của Syria đều bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến tại nước này. Và trong thời gian tới, các nước này sẽ phải theo sát tình hình Syria nếu Mỹ tiến hành can thiệp quân sự.

>> Các tác động kinh tế nếu Mỹ đánh Syria
>> Nước cờ của Israel tại Syria
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tố Nga cung cấp vũ khí hóa học cho Syria
>> Syria thề chiến đấu tới cùng dù Thế chiến thứ 3 có bùng nổ
>> Nga có thể đồng ý để Mỹ tấn công Syria  
>> Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tham gia tấn công Syria
>> Cuộc chiến Syria đã lan sang Li Băng

Đài phát thanh NPR (Mỹ) hôm 4.9 đã có bài nhận định về vị thế của 5 nước láng giềng (Iraq, Israel, Jordan, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ) trong tình huống Mỹ tấn công Syria.

Iraq

Iraq đã duy trì một cách thận trọng trạng thái trung lập trong suốt thời gian diễn ra cuộc nội chiến ở Syria.

Tuy nhiên, vào tuần qua, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã lên tiếng cáo buộc xung đột tại quốc gia láng giềng chính là nguyên nhân khiến bạo động gia tăng trong thời gian gần đây tại Iraq.


Hiện trường một vụ đánh bom tại thủ đô Baghdad (Iraq) - Ảnh: Reuters

“Tình hình tại Syria là nguyên nhân chính cho những gì đang diễn ra tại Iraq”, NPR dẫn lời ông Nouri al-Maliki cho hay.

Thủ tướng Iraq cũng chỉ trích đề xuất can thiệp quân sự vào Syria của chính phủ Mỹ.

“Giải pháp quân sự là một ngõ cụt mà không đem lại được gì ngoại trừ việc khiến Syria bị hủy diệt. Không có gì rõ ràng trong tương lai sắp tới ngoài sự hủy diệt, thảm họa và một cuộc nội chiến không có ai thắng trận”, ông Nouri al-Maliki nói.

Thủ tướng Iraq trước đó từng cảnh báo rằng chiến thắng của phe nổi dậy tại Syria sẽ khiến khu vực thêm bất ổn.

Washington tố cáo Iraq đã trở nên gần gũi với Iran trong những năm gần đây và đã mở cửa không phận để Iran viện trợ vũ khí và binh lính cho chính quyền Assad.

Israel

Israel luôn lo ngại rằng Syria có thể sẽ tấn công nước này để trả đũa cho việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria.

Ngoài ra, Tel Aviv cũng quan ngại rằng Iran có thể sẽ trở nên táo bạo hơn nếu Mỹ chỉ “giơ cao đánh khẽ” hoặc không trừng trị việc Syria dùng vũ khí hóa học.

Ông Shmuel Sandler, một giáo sư nghiên cứu chính trị quốc tế thuộc Trường đại học Bar-Ilan (Israel) đã nói với tờ USA Today (Mỹ) rằng mối lo lắng chính của Israel là việc Tổng thống Mỹ Obama “đã vạch ra lằn ranh đỏ, và nếu ông ấy không hành động, ông ấy sẽ mất uy trước Tehran”.

Phần lớn người Israel muốn chính phủ Mỹ tiến hành can thiệp quân sự vào Syria bằng các loại vũ khí tấn công từ xa, nhưng không cần thiết phải lật đổ Assad, vì điều này sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực, USA Today dẫn lời giáo sư Sandler cho biết.

“Israel không muốn chứng kiến cảnh Mỹ một lần nữa phải sa vào một cuộc chiến dài hơi và tốn kém ở Trung Đông. Israel lo sợ bị dư luận Mỹ đổ lỗi nếu quân Mỹ sa lầy tại Syria. Tel Aviv đang cố tránh bị liên đới”, ông Sandler nhận định.

Jordan

Jordan hiện phải hứng chịu một làn sóng khổng lồ người tị nạn từ Syria đổ sang.

Trại tị nạn Zaatari (Jordan) đang là chỗ trú ngụ của hơn 120.000 người Syria. Zaatari hiện là trại tị nạn lớn thứ hai thế giới, theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc.


Trại tị nạn Zaatari (Jordan) - Ảnh: Reuters 

Tờ Wall Street Journal đưa tin cho biết tại vùng biên giới Jordan và Syria, người tị nạn Syria đang cạnh tranh gay gắt với người dân địa phương để kiếm các công việc với mức lương từ trung bình đến thấp.

Còn bên trong Jordan, người Syria cũng đang giành việc làm với người nhập cư Ai Cập.

Nguồn cung cấp nước tại một số làng nằm ở phía bắc Jordan cũng đã bị ngưng lại từ một tháng nay vì nhu cầu tăng vọt.

Jordan khẳng định sẽ không cho phép bất kỳ chiến dịch tấn công quân sự nào được tiến hành trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, nước này cũng đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao.

Một quan chức Jordan cho biết họ ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria.

Li Băng

Quốc gia láng giềng nhỏ bé này của Syria có lẽ sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất nếu Mỹ tấn công Syria, NPR đánh giá.

Hiện đang có hàng chục ngàn người tị nạn Syria trú ngụ tại Li Băng.


Người tị nạn Syria tại Li Băng - Ảnh: Reuters

Trong nhiều năm qua, Syria luôn là nước có ảnh hưởng lớn về kinh tế và chính trị của Li Băng.

Tờ The Washington Post (Mỹ) cho biết cuộc nội chiến Syria đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Li Băng, làm bùng nổ xung đột giáo phái, cũng như gây ra các vụ bắt cóc, đánh bom và xô xát trong đời sống thường ngày của người dân Li Băng.

Ngoài ra, Phong trào Hồi giáo Hezbollah của người Hồi giáo Li Băng dòng Shiite nhiều khả năng sẽ phản ứng với việc Mỹ tấn công chính quyền Assad, vốn là đồng minh của phong trào này.

Các chiến binh Hezbollah đang chiến đấu với lực lượng trung thành với Tổng thống Assad tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ

Giới quan sát đánh giá đường lối chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với tình hình Syria có tầm quan trọng đặc biệt vì nước này là lân bang của Syria, đồng minh của Mỹ, một thành viên của NATO và là nước ủng hộ mạnh mẽ giải pháp can thiệp quân sự vào Syria.

Làn sóng di cư của người tị nạn Syria đã ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, theo NPR.

Đã có nổ ra các cuộc bạo động ngay trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ và thủ tướng nước này cáo buộc cộng đồng người Turk có liên hệ với chính quyền Assad đứng đằng sau những bất ổn này.

Ngoài ra, hãng tin Bloomberg cũng đưa ra nhận định cho rằng việc chính quyền Assad bị sụp đổ sẽ kích động cộng đồng người Kurd, dân tộc thiểu số lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ.


Một cuộc biểu tình của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters 

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng việc phe nổi dậy chiến thắng tại Syria sẽ kích động người Kurd tại Syria đòi tự trị và điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hòa bình mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tiến hành với phiến quân người Kurd trong nước.

Hoàng Uy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.