Kyiv mất thế chủ động
Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleschuk ngày 27.4 thông báo không quân đã bắn hạ 21 trong tổng số 34 tên lửa do Nga phóng đến để tấn công trong đêm. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho hay đợt tấn công gây thiệt hại cơ sở hạ tầng năng lượng tại ít nhất 3 tỉnh. Giới lãnh đạo Kyiv nhiều tháng qua đã kêu gọi các đồng minh viện trợ thêm vũ khí phòng không, phàn nàn rằng chính việc thiếu vũ khí này là nguyên nhân khiến Ukraine hứng chịu các cuộc tấn công như trên.
Mỹ cấp cho Ukraine vũ khí gì trong gói viện trợ lớn nhất trị giá 6 tỉ USD?
"Trong lúc chúng tôi chờ một quyết định về sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Nga đã chiếm được thế chủ động trên chiến trường", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói khi phát biểu mở màn tại hội nghị trực tuyến của Nhóm Liên lạc hỗ trợ Ukraine ngày 26.4. Ông Zelensky cho biết trong năm nay, máy bay Nga đã thả hơn 9.000 quả bom xuống Ukraine và Kyiv cần ít nhất 7 tổ hợp phòng không Patriot để bảo vệ lãnh thổ.
Nhà lãnh đạo không nói rõ Ukraine hiện có bao nhiêu tổ hợp Patriot, song Đức đã gửi 2 hệ thống và mới đây cam kết gửi thêm một hệ thống nữa. Berlin đang dẫn đầu sáng kiến kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm vũ khí phòng không cho Kyiv. Tuy nhiên, theo thống kê ngày 26.4 của quân đội Mỹ, Lầu Năm Góc đến nay mới chỉ gửi một tổ hợp Patriot cho Ukraine trong khi các nước như Hy Lạp và Tây Ban Nha đã từ chối cung cấp hệ thống phòng không này vì lý do an ninh trong nước, theo tờ Politico.
Tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles xác nhận Madrid chỉ cung cấp tên lửa thay vì nguyên tổ hợp Patriot, gồm radar, hệ thống kiểm soát và các giàn phóng.
Khoản chi lớn nhất của Mỹ
Sau hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sẽ kêu gọi các đồng minh "chấp nhận thêm rủi ro" để có thể làm điều cần thiết cho Ukraine. Ông Austin cũng công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 6 tỉ USD cho Ukraine, khoản chi lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ.
Ukraine sẽ đẩy mạnh tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bất chấp lo ngại của Mỹ?
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ gồm tên lửa đánh chặn cho các hệ thống phòng không như Patriot, NASAMS; đạn dược bổ sung cho các hệ thống rốc két, pháo binh; các loại máy bay không người lái (UAV) như Switchblade và Puma; cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị khác. Số vũ khí sẽ được mua từ các công ty Mỹ cũng như nước ngoài, nên khoản viện trợ này dự kiến được chuyển giao trễ hơn so với lô vũ khí trị giá 1 tỉ USD mà Washington công bố ngày 24.4, vốn được lấy trực tiếp từ kho của quân đội.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cam kết sẽ chuyển 200 triệu euro cho sáng kiến của Đức và gợi ý sẽ bàn giao những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Ukraine trong năm nay. Canada cho biết sẽ chuyển gần 12 triệu USD cho việc sản xuất UAV và mua đạn pháo cho Ukraine. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Na Uy công bố kế hoạch chi 13,7 triệu USD cho việc bảo dưỡng xe tăng Leopard 2A4 của Ukraine tại Ba Lan.
Những vũ khí mới của Mỹ và đồng minh được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine củng cố phòng thủ và xây dựng lại lực lượng trước khi tính đến chuyện tổ chức các chiến dịch tấn công lớn trong tương lai. Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) dẫn thông tin từ truyền thông phương Tây cho hay các quan chức Mỹ đã khôi phục việc thảo luận về ý tưởng "đóng băng chiến tuyến" bởi gói viện trợ mới nhất của Washington có thể không đủ cho Kyiv giành lại hết lãnh thổ.
Nga giảm sản lượng dầu do bị Ukraine tấn công
Reuters hôm qua dẫn nguồn tin tình báo Ukraine cho biết nước này đã tấn công hai nhà máy lọc dầu tại vùng Krasnodar của Nga vào rạng sáng 27.4, gây cháy các cơ sở này. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã ngăn chặn 66 UAV của Ukraine từ đêm 26.4 đến rạng sáng 27.4 nhắm vào các nhà máy lọc dầu và hạ tầng tại Krasnodar. Một quan chức lãnh đạo địa phương thừa nhận vụ tấn công "không gây thương tích và thiệt hại nặng". Nhật báo Kommersant đưa tin các nhà sản xuất dầu mỏ Nga đã cắt giảm sản lượng trong tháng 4 do các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine.
Bình luận (0)