Mỹ và nhiều quốc gia khác đã không ít lần tỏ ra quan ngại nguy cơ gián điệp bởi hạ tầng viễn thông, điện thoại di động, máy tính cá nhân và cả camera giám sát mang thương hiệu Trung Quốc.
Chỉ trong tháng 11, truyền thông Mỹ có đến hai lần trích dẫn báo cáo từ công ty an ninh mạng và cơ quan chính phủ cảnh báo về nguy cơ các công ty Trung Quốc phối hợp sao chép dữ liệu trên điện thoại di động thông minh (smartphone) và máy tính cá nhân (PC). Cụ thể, giữa tháng 11, tờ The New York Times dẫn nguồn từ Công ty an ninh mạng Kryptowire (Mỹ) cho biết khoảng 700 triệu smartphone chạy trên nền Android bị cài phần mềm của Công ty Shanghai AdUps Technology (Trung Quốc) có kèm “cửa sau” nhằm sao chép và chuyển dữ liệu về Bắc Kinh.
Đến ngày 29.11, trang tin The Washington Free Beacon dẫn báo cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Công ty công nghệ thông tin Bo Yu Quảng Châu (Boyusec) đang tham gia dự án phát triển công cụ được dùng để cài đặt vào những thiết bị viễn thông và máy vi tính nhằm sao chép dữ liệu, điều khiển thiết bị để chuyển cho cơ quan quân sự Trung Quốc đại lục.
Trong cả hai cáo buộc này, Công ty viễn thông Huawei đều được nhắc đến và bị cho rằng có liên quan, nhưng Huawei đã lên tiếng bác bỏ cả hai. Không chỉ là nhà sản xuất smartphone đứng thứ 3 thế giới, tập đoàn này còn giữ ngôi đầu về hệ thống hạ tầng mạng viễn thông và bị cho là có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc. Hồi giữa năm nay, Canada đã từ chối đơn xin trở thành thường trú nhân của 4 người vốn đang làm việc cho Huawei. Lý do được đưa ra cũng là vì e ngại những người trên là gián điệp, theo tờ The Globe and Mail.
|
Nguy cơ máy tính bị thao túng
Tuy nhiên, đó không phải là những trường hợp duy nhất trong ngành công nghệ của Trung Hoa đại lục khiến giới chức nhiều nước lo ngại. Gần đây, Lenovo thường xuyên được nhắc đến liên quan các nghi án “bòn rút” thông tin phục vụ công tác tình báo.
Từng nổi tiếng thông qua các thương vụ thâu tóm mảng PC của IBM rồi đến mảng điện thoại di động của Motorola, Lenovo trở thành một người khổng lồ trong làng công nghệ thế giới. Tuy nhiên, Lenovo đang khiến nhà chức trách nhiều nước bị ám ảnh bởi việc cài phần mềm gián điệp vào PC do hãng này cung cấp.
Từ giữa năm 2015 đến đầu 2016, Lenovo liên tục bị nhà chức trách Mỹ cáo buộc đã cài phần mềm vào các dòng laptop. Phần mềm này tự động sao chép thông tin người dùng để chuyển về cho nhà sản xuất. Chính vì thế, nhiều cơ quan chính quyền Mỹ lo ngại các thông tin bị sao chép có thể được dùng cho mục đích tình báo. Sau đó, nhiều thông tin khẳng định các cơ quan quân sự Mỹ đã âm thầm loại bỏ thiết bị của Lenovo.
Về cáo buộc trên, đại diện Lenovo về sau giải thích chỉ sao chép một số thông tin rất cơ bản về cách thức dùng máy của người sử dụng nhằm “chăm sóc” khách hàng tốt hơn. Sau đó, hãng này còn cam kết tháo bỏ phần mềm trên ra khỏi các dòng máy tính xách tay.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10, tờ The Washington Free Beacon một lần nữa dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc tiếp tục cảnh báo nguy cơ các hoạt động gián điệp được tiến hành bởi Lenovo. Bộ Quốc phòng Mỹ còn quan ngại nếu các thiết bị công nghệ thông tin bị chi phối bởi Trung Quốc thì nguy cơ bị tấn công mạng còn nguy hiểm hơn, bởi tin tặc có thể thao túng thiết bị nhờ vào sự hỗ trợ của nhà sản xuất. Nhiều đơn vị trực thuộc Lầu Năm Góc tiếp tục loại bỏ Lenovo, đặc biệt đối với các hệ thống máy chủ.
Nguy cơ camera giám sát
Không chỉ chiếm thị phần lớn về hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, Trung Quốc giờ đây cũng có cả đại diện dẫn đầu ngành camera giám sát - vốn ngày càng được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Đại diện đó là Công ty Hangzhou Hikvision Digital Technology (gọi tắt Hikvision).
Ngày 23.11, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn thông báo từ Hikvision bác bỏ cáo buộc từ Đài VOA. Trước đó, ngày 21.11, VOA dẫn lời ông Stephen Bryen, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về các vấn đề quốc tế và an ninh mạng, quan ngại về việc nhiều cơ quan trực thuộc chính phủ Mỹ trang bị camera an ninh do Hikvision. Đặc biệt, nhiều cơ quan ngoại giao của Washington ở nước ngoài cũng đang dùng thiết bị của Hikvision, tiềm ẩn nguy cơ bị thu thập hình ảnh chuyển về Bắc Kinh. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận việc đặt mua camera của Hikvision cho đại sứ quán tại Kabul, nhưng chỉ lắp đặt ở các khu vực “ít nhạy cảm”. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán đã bị tạm hủy.
VOA dẫn thông tin từ Edward Long, cựu chuyên gia kỹ thuật của một công ty chuyên về camera an ninh ở Florida (Mỹ), khẳng định các máy quay an ninh của Hikvision thu thập dữ liệu hình ảnh gửi cho Trung Quốc. Về thông tin này, Frank Fisherman, Tổng giám đốc của công ty mà Edward Long từng làm việc, cũng cho biết máy quay của Hikvision nhiều khả năng có một “cửa hậu” để tấn công mạng ngay cả khi người dùng đã thay đổi mật mã và thiết lập tường lửa phòng ngừa.
Được thành lập năm 2001, có đến 42% cổ phần của Hikvision được sở hữu bởi chính quyền Trung Quốc. Năm 2015, trong chuyến thăm thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ Phổ Thế Lương - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của Hikvision. Trong khi đó, Phổ Thế Lương được cho cũng là giám đốc bộ phận thí nghiệm công nghệ của Học viện Cảnh sát Chiết Giang.
Bên cạnh đó, từ năm 2015, Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã cung cấp gói tín dụng ưu đãi 3 tỉ USD, lãi suất cực thấp, cho Hikvision. Suốt thời gian qua, Hikvision liên tục phát triển mạnh mẽ ở nhiều mảng máy quay phim, từ camera an ninh cố định đến các loại flycam (máy bay không người lái gắn camera) tích hợp nhiều loại cảm biến tối tân.
Cựu quan chức tình báo Anh - Nigel Inkster cũng đưa ra nhiều quan ngại đối với máy quay của Hikvision, vốn được lắp đặt khá phổ biến ở xứ sở sương mù. Trong khi đó, camera an ninh ngày càng phổ biến và được lắp đặt ở nhiều vị trí quan trọng như cơ quan chính phủ hay căn cứ quân sự.
Tháng 4.2016, tờ The New York Times cũng dẫn lời giới chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo liên quan đến các loại flycam mang thương hiệu DJI. Cảnh báo xoay quanh vấn đề hình ảnh có thể bị truyền về các cơ quan trực thuộc chính phủ ở Trung hoa đại lục.
Trong khi cả thế giới quan ngại về Trung Quốc, thì vừa qua nước này đưa ra quy định yêu cầu các công ty công nghệ muốn hoạt động tại đây phải chia sẻ mã nguồn và nhiều thông tin dữ liệu. Yêu cầu này vi phạm nguyên tắc bảo mật của nhiều công ty phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính vì thế, Washington và nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ lo ngại đây là một biện pháp gây khó cho hoạt động kinh doanh của họ ở thị trường có dân số hơn 1 tỉ người.
Bình luận (0)