Công nghệ dược phẩm ứng phó bệnh mới nổi
Hội thảo về hợp tác y tế Việt Nam và Anh trong chăm sóc sức khỏe và ứng phó bệnh mới nổi được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức hôm nay 9.9 tại Hà Nội.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển lãm y tế của tuần lễ Anh tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhiều năm qua, các công ty dược phẩm lớn của Anh đã hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ Y tế triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các dự án sàng lọc sớm ung thư, cung cấp kiến thức phòng chống bệnh mãn tính, triển khai thử nghiệm lâm sàng thuốc, vắc xin mới; thực hiện các nghiên cứu và giải pháp về kháng kháng sinh.
Hợp tác này đã đem lại hiệu quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý cũng như tăng cơ hội trong nước tiếp cận thuốc, vắc xin mới.
Trong dịch Covid-19, vắc xin Covid-19 AstraZeneca của Anh đã kịp thời được cung cấp cho Việt Nam, góp phần cho triển khai chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.
Khuyến khích chuyển giao thuốc phát minh
Thông tin tại hội thảo, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang triển khai và đề xuất thêm các chính sách khuyến khích các công ty dược phẩm lớn chuyển giao công nghệ dược phẩm, bao gồm sản xuất các thuốc mới, thuốc phát minh tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có 228 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP WHO), trong đó có 18 cơ sở có dây chuyền sản xuất thuốc đạt GMP của châu Âu hoặc tương đương.
Đặc biệt, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD (năm 2015) đã lên đến 7 tỉ USD vào năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong các năm tới.
Đến năm 2030, ngành dược Việt Nam hướng đến mục tiêu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường và trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Việt Nam đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm và thuốc hiếm mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Thảo luận tại hội thảo, đại diện các đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin; công ty dược đa quốc gia của Anh bày tỏ mong muốn y tế Việt Nam có các cải cách hơn nữa về thủ tục hành chính trong nghiên cứu, cấp phép. Các ý kiến cũng cho biết, tiếp tục quan tâm thị trường dược phẩm Việt Nam, chú trọng cho đầu tư sản xuất cung ứng tại chỗ. Đây là chiến lược quan trọng để tránh bị gián đoạn nguồn cung dược phẩm nếu có dịch bệnh lớn như dịch Covid-19 vừa qua, đồng thời hướng đến xuất khẩu thuốc sản xuất tại Việt Nam.
Bình luận (0)