Các 'quan tòa' trên Facebook

16/05/2020 06:27 GMT+7

Dù chỉ là cáo buộc từ một phía, nhưng nhiều cư dân mạng không cần biết đúng sai, vẫn thoải mái chia sẻ, xem như bản thân là quan tòa phán quyết đúng sai.

Trong phút chốc, anh Đỗ Văn Hùng (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng gia đình gặp họa từ Facebook… rơi xuống, khi anh bị cho là nghi can N.V.N trong vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi (Long An) - vốn đang gây xôn xao dư luận sau phiên tòa giám đốc thẩm gần đây.
Như Thanh Niên ngày 15.5 đã đăng, hình ảnh anh Hùng cùng cô con gái còn nhỏ được lan truyền là nghi can N. (theo hồ sơ thì nay gần 40 tuổi), đang trốn ở Mỹ, Canada. Bao lời mạt sát, đe dọa, thậm chí mắng nhiếc cả cô con gái còn đang ẵm trên tay.
Bắt nguồn từ thông tin trên một số trang mạng, Facebook các cá nhân đang sống ở nước ngoài, giờ hình ảnh lan truyền khiến gia đình anh sống trong lo lắng, sợ hãi. Không cần xác minh, nhiều người tin chắc rằng anh Hùng chính là N. và đã phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi nhân dạng.
Thực tế thời gian qua, tình trạng chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô trách nhiệm đang xảy ra tràn lan trên Facebook, khi nhiều người vô cớ bị vu cáo giật nợ, lừa đảo, phá hoại gia đình người khác… Dù chỉ là cáo buộc từ một phía, nhưng nhiều cư dân mạng không cần biết đúng sai, vẫn thoải mái chia sẻ, xem như bản thân là quan tòa phán quyết đúng sai. Nhiều người đang hành xử nhầm lẫn giữa việc cùng lên tiếng chống cái xấu với việc “bạ đâu share đó” mà không cần biết vụ việc thế nào.
Ngay trong đợt dịch Covid-19, nhiều tin thất thiệt như: địa phương này có người mắc bệnh, chết vì Covid-19, hay địa phương kia có dịch mà giấu nhẹm… cũng được chia sẻ rộng rãi gây không ít hoang mang. Đến cả những người nổi tiếng như Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng cũng từng bị xử lý hành chính vì đưa tin không đúng về dịch bệnh Covid-19.
Vấn đề đặt ra là rất nhiều người chia sẻ thông tin sai sự thật, nhưng ngay cả khi đã biết sai thì vẫn không thèm đính chính, có người chỉ âm thầm xóa thông tin. Gần đây, một số người lan truyền tin sai sự thật đã bị xử lý hành chính, nhưng có lẽ số trường hợp bị xử lý hành chính còn rất ít so với số lượng vi phạm.
Trong khi đó, ngay cả khi người loan tin sai bị xử lý, các nạn nhân của tin đồn vẫn trở thành những “tù nhân” bị mang tiếng oan mà không dễ gì đi đính chính đến từng người đã tiếp nhận tin đồn. Cứ thế, nạn nhân trở thành “tù nhân” mang tiếng oan năm này qua năm nọ vì những “quan tòa” trên Facebook. Điển hình như câu chuyện của anh Hùng ở trên, có lẽ không dễ gì để anh có thể xóa sạch những hình ảnh, bài viết cho rằng anh chính là nghi can N.
Từ thực tế trên, mỗi cư dân mạng cần hành xử nghiêm túc trên thế giới ảo, đừng “bạ đâu share đó”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, triệt để hơn nữa để tăng tính răn đe để các cư dân mạng không trở thành “quan tòa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.