Vấn đề hạn chế giờ làm thêm của sinh viên thu hút sự quan tâm của nhiều người khi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đưa ra dự thảo luật Việc làm (sửa đổi). Theo dự thảo, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.
Không có quy định áp dụng toàn quốc
Qua tìm hiểu, đa số quốc gia trên thế giới không có mức hạn chế, luật hay quy định áp dụng trên toàn quốc về số giờ làm thêm của sinh viên.
Ở những quốc gia phát triển thu hút nhiều sinh viên quốc tế như Mỹ, Úc và Anh, việc giới hạn 20 giờ làm việc bán thời gian/tuần chủ yếu áp dụng đối với du học sinh.
Các nước phát triển đưa ra quy định hạn chế sinh viên quốc tế làm việc nhằm mục tiêu đảm bảo du học sinh không lơ là việc học hay rộng hơn đảm bảo chất lượng nền giáo dục. Chưa kể, du học sinh làm thêm quá nhiều giờ có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên, người dân bản địa.
Trong khi đó, sinh viên nội địa ở các quốc gia trên thế giới chủ yếu được khuyến khích làm việc 20 giờ/tuần để đảm bảo cân bằng việc học.
Ở Mỹ, Úc và Hàn Quốc…, một số trường ĐH hay địa phương có thể đưa ra quy định hay hướng dẫn chi tiết, khuyến khích sinh viên nội địa chỉ nên làm thêm khoảng 20 giờ/tuần, có thể 35-40 giờ/tuần (tương đương công việc toàn thời gian) trong lúc nghỉ hè. Mục tiêu là nhằm đảm bảo sinh viên nội địa có thể đủ thời gian cho việc học.
Đối với học sinh dưới 18 tuổi, chính quyền các bang ở Mỹ, Úc có luật, quy định cụ thể về thời gian làm việc để đảm bảo quyền của người vị thành niên.
Sinh viên làm việc bán thời gian phải có mã số thuế
Anh Nguyễn Bảo Châu, cựu sinh viên ĐH Canberra (Úc), cho hay luật lao động ở Úc được thực thi rất nghiêm ngặt. Sinh viên đi làm thêm cũng phải cung cấp mã số thuế cá nhân cho nhà tuyển dụng.
"Tôi từng được nhận vào làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị ở thủ đô Canberra, nhưng không có mã số thuế. Giám đốc nhân sự của siêu thị thông báo tôi phải ra sở thuế đăng ký mã số thuế. Người này đồng thời giải thích nếu tôi không có mã số thuế thì siêu thị không thể nhận tôi vào làm việc", anh Châu kể.
Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng ở Úc phải có hợp đồng lao động rõ ràng với sinh viên. Tuyển dụng sinh viên làm thêm, doanh nghiệp phải nêu rõ là vị trí bán thời gian cố định hay không cố định; hoặc thời vụ.
Tất cả việc chi trả tiền lương cho nhân viên (bất kể bán thời gian hay toàn thời gian) đều được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng để cơ quan chức năng quản lý.
Do đó, đa số doanh nghiệp tuân thủ luật vì không muốn bị phạt nặng nếu để cho sinh viên quốc tế làm thêm quá 20 giờ/tuần. Tuy nhiên, vẫn có du học sinh “lách luật”, làm 2 công việc bán thời gian cùng lúc - một nơi trả lương qua ngân hàng, chỗ còn lại dùng tiền mặt.
Nhìn chung, hạn chế làm thêm không quá 20 giờ/tuần chỉ tùy thuộc vào ý thức tự giác của sinh viên lẫn doanh nghiệp. Cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý thông qua báo cáo tài chính, chi trả tiền lương của doanh nghiệp, theo anh Châu.
Bình luận (0)